Từ nhiều đời nay, trong đời sống tinh thần của người Việt Nam, đã luôn hướng tới một điểm tựa của tinh thần văn hoá – đó là lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, được tổ chức vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Đã thành thông lệ, đến ngày 10/3 âm lịch, đông đảo Nhân dân Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận lại cùng nhau hội tụ về khu di tích Đại Hùng thuộc tổ dân phố 7, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh thắp nén tâm hương, tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước.

Theo truyền thuyết lịch sử, các tài liệu, thư tịch cổ và các nghiên cứu, khảo cổ thì thời đại Hồng Bàng là thời đại thượng cổ của Lịch sử Việt Nam. Kinh Dương Vương, húy Lộc Tục, sinh năm Nhâm Tuất (2919 TCN). Năm 2879 TCN, Kinh Dương Vương lên ngôi lập lên nhà nước Xích Quỷ - nghĩa là tên một ngôi sao sắc đỏ rực rỡ nhất trong 28 vì sao sáng trên bầu trời. Nhà nước sơ khai, độc lập có chủ quyềnđầu tiên của dân tộc ta.Lúc đầu Kinh Dương Vương đóng đô ở núi Ngàn Hống (Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay), sau đó dời đô về Ao Việt (Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ngày nay). Kinh Dương Vương kết duyên với Long Nữ sinh ra Sùng Lãm (hiệu là Lạc Long Quân). Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ sinh ra 100 người con, người con trưởng đó là Hùng Vương thứ nhất.
Để rồi từ đó:
"Mở đầu Nam Việt có Kinh Dương
Mười tám đời vua, mười tám chương.
Bách Việt sơn hà muôn thuở đó,
Đời đời đèn nến nức thơm hương".
Từ bao đời nay, trong tâm thức của mỗi người con đất Việt, Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng là quốc Tổ có công dựng nước. Từ đó, tín ngưỡng thờ cúng Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam ta, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ cháu con với công đức của Tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Dù làm gì, ở đâu, mỗi người con đất Việt đều tự hào được mang trong mình "dòng máu lạc hồng", luôn hướng về cội nguồn, hướng về Tổ tiên với tấm lòng thành kính, tri ân. Thờ cúng Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh cầu mong Quốc Tổ phù hộ cho "Quốc thái - Dân an", mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng, mà còn có ý nghĩa sâu xa, nhắc nhở, kết nối, cũng cố tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, những người cùng chung một cội nguồn. Vì vậy, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử hàng nghìn năm, Tín ngưỡng thờ cúng Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng vẫn được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí của cả dân tộc ta. Đây chính là nguồn gốc tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trường tồn và không ngừng phát triển.

Dạ hội Văn nghệ "tiếng hát từ cội nguồn" diễn ra tối ngày 05/4/2017 tại Khu di tích Đại Hùng
Trên đất nước ta có hơn 1.400 địa điểm có di tích thờ cúng các vua Hùng, trong đó khu di tích lịch sử văn hóa Đại Hùng, thuộc phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnhlà di tích lịch sử - văn hóa thờ Thủy Tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng duy nhất trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây là niềm vinh dự và tự hào của Nhân dân thị xã Hồng Lĩnh nói riêng và của tỉnh Hà Tĩnh nói chung. Lễ Giỗ Thủy tổ Kinh Dương Vương và các vua Hùng luôn được Nhân dân Hồng Lĩnh xem là một sự kiện văn hóa nổi bật, là biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là sự hội tụ nhiều chiều giữa quá khứ và hiện tại, giữa quá khứ và tương lai, giữa hiện tại với tương lai, thể hiện triết lý nhân sinh quan và tín ngưỡng thờ tự của người Việt. Giỗ tổ còn là dịp để giáo dục truyền thống, uống nước, nhớ nguồn, lòng biết ơn sâu sắc Thủy Tổ và các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước. Củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, mở rộng giao lưu văn hoá, hợp tác kinh tế với các đơn vị trong và ngoài thị xã. Là dịp quãng bá ra thế giới một di sản phi vật thể vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm và trở thành đạo lý, truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta nguyện một lòng khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Đại lễ Giỗ tổ Hùng Vương thể hiện rõ đạo lý "uống nước nhớ nguồn", là nét truyền thống văn hóa đẹp của người dân Việt. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2017 diễn ra trong không khí toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chào mừng kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc (30/4/1975 - 30/4/2017), kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, 60 năm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh và kỷ niệm 25 năm ngày thành lập thị xã Hồng Lĩnh. Các thế hệ con Lạc, cháu Hồng của Việt Nam nói chung và Hồng Lĩnh nói riêng đang ngày đêm sống và làm việc theo gương Bác Hồ kính yêu, đó là những món quà thiết thực, ý nghĩa dâng lên các Vua Hùng nhân ngày Giỗ tổ 10-3./.
HỒNG NGUYÊN