Sáng nay 19/2/2016 (nhằm ngày 12 tháng giêng âm lịch), cấp ủy, chính quyền và Nhân dânphường Đậu Liêu đã tổ chức lễ hội Báo ân Đô đài ngự sử Bùi Cầm Hổ tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Bùi Cầm Hổ thu hút đông đảo cán bộ, Nhân dân và con cháu họ Bùi khắp mọi miền đất nước về dự hội.

Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ sinh năm 1390 mất năm 1483 tại xã Độ Liêu, huyện Thiên Lộc, tỉnh Hà Tĩnh (nay là phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh). Ông đã từng giữ các chức vụ: Ngự sử Trung thừa, An Vũ sứ Lạng Sơn, Thăng Tham tri chính sự, Tước Á trí tự qua ba triều vua Lê Sơ: Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông.

Tương truyền rằng, Bùi Cầm Hổ sinh ra có tướng mạo khác thường. Khi Thái Bà trở dạ nghe tiếng hổ gầm quanh nhà cùng một luồng hồng vận với mùi trầm thơm khác lạ. Thấy vậy, cụ Bùi Tôn Đường (thân sinh Bùi Cầm Hổ) sang thỉnh cầu nhà sư chùa Đại Hùng, nhà sư bảo đó là điềm lành "Thiên nhạc giáng trần". Cụ Tôn Đường rất lấy làm mừng trở về đặt tên con là Bùi Cầm Hổ (nghĩa là họ Bùi bắt được Hổ).

Tuổi thơ của Bùi Cầm Hổ lớn lên tại quê hương Đậu Liêu, sau này ông ra kinh thành Thăng Long học hành tiến tới. Thời vua Lê Thái Tổ, Bùi Cầm Hổ được xem là một trong hai vị khai quốc công thần và đã được của làm Thái sư dạy học cho con trưởng của Lê Lợi là vua Lê Thái Tông…

Sau hơn 30 năm làm quan, lúc ở trong triều khi ra ngoài trấn, hai lần đi sứ nhà Minh, đi dẹp loạn ở biên giới, đi thực ở châu xa và làm được nhiều việc khó vua giao, ông luôn tự chủ sáng suốt một lòng phò vua, giúp nước, vì dân tộc, vì cường quyền nhà Lê, nói những điều hay, làm những việc đúng được 3 đời nhà vua trọng dụng, đến tuổi về già (năm 1459) ông được triều đình cho về quê tĩnh dưỡng.

Khi về hưu, ông đã có nhiều đóng góp xây dựng quê hương Đậu Liêu như đắp đập ngăn khe đưa dòng nước từ núi Hồng Lĩnh về tưới cho cánh đồng Kẻ Treo. Sau khi ông mất (1483) triều đình ghi công và phong vị "Bỉnh quân đại vương, Thượng đẳng phúc thần", nhân dân đã lập đền thờ gọi là đền Đô Đài và tôn ông làm vị Thánh. Với tài đức văn võ song toàn trong suốt quá trình làm quan triều đình Bùi Cầm Hổ đã được các triều Đại nhà Vua phong 28 đạo sắc. Trong đó có nhiều sắc phong cho ông là "Thượng đẳng thần" mà rất ít các quan đại thần được phong trước đó. Đền thờ ông đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia ngày 31 tháng 01 năm 1992.

Năm nay, tổ dân phố 7 là tổ mại biện. Công tác chuẩn bị đã được lên kế hoạch cụ thể, chu đáo từ việc họp bàn và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong Ban tổ chức lễ hội, luôn bám sát thực tế và chỉ đạo kịp thời việc mua sắm các vật dụng cần thiết phục vụ lễ hội. Với thời tiết thuận lợi đã tạo điều kiện cho lễ hội thêm phần thành công tốt đẹp, đông đảo quần chúng Nhân dân và con cháu họ Bùi khắp mọi miền Tổ quốc đều về tham gia lễ hội. Đặc biệt, số tiền công đức của con cháu họ Bùi đang sinh sống và làm việc tại các nước như CHLB Đức, nước Anh, Đài Loan lên tới 80 triệu đồng và đóng góp tại ngày Lễ lên tới trên 55 triệu đồng. Số tiền công đức sẽ được Ban quản lý di tích quản lý và sử dụng vào việc trùng tu, tôn tạo di tích trong thời gian tới để xứng tầm với giá trị của di tích./.

Phương Chi


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
 Liên kết website
Thống kê: 5.329.022
Online: 48
ipv6 ready