Vận động bầu cử của người ứng cử là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu làm đại biểu và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương nào thì thực hiện quyền vận động bầu cử ở địa phương đó. Hiện nay, Ủy Ban bầu cử các cấp đã công bố và niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đồng thời Ban Thường trực UBMTTQ đã có kế hoạch cho những người ứng cử tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử tại nơi được phân công ứng cử. Bên cạnh trang bị cho mình các kỹ năng trong vận động bầu cử qua tiếp xúc cử tri (gọi tắt là vận động cử tri) thì các ứng cử viên cần lưu ý một số điều nên làm và nên tránh trong vận động cử tri như sau:
5 nên trong vận động cử tri
Một là, đến đúng giờ. Đến hội nghị tiếp xúc cử tri sớm hơn thời gian quy định ít nhất 10 phút, tốt hơn là khoảng 15 – 20 phút để gặp gỡ, thăm hỏi, nắm bắt những vấn đề cử tri đang quan tâm. Quan tâm tới cử tri cao tuổi, phụ nữ, vv. Tuyệt đối không được đến chậm dù bất cứ lý do nào.
Hai là, Chương trình hành động phải rõ ràng, sát hợp, tạo được lòng tin nơi cử tri. Theo kinh nghiệm của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Ủy ban bầu cử TP Hồ Chí Minh cho thấy: "Để vận động bầu cử đạt kết quả cao, trước hết ứng cử viên cần xây dựng chương trình sát thực tiễn, nêu bật mục tiêu mình sẽ thực hiện khi trở thành đại biểu của dân, vì lợi ích của dân. Muốn vậy, phải tìm hiểu kỹ tình hình kinh tế-xã hội địa phương nơi mình ứng cử; đặc trưng tâm lý, văn hóa, phong tục của người dân sở tại; tâm tư, nguyện vọng của dân, những điều họ quan tâm, muốn được giãi bày, gửi gắm, giúp đỡ… Ngoài nội dung chương trình hành động hợp lòng dân, khi trình bày còn phải có tâm thế tốt, tự tin, mạch lạc và có tinh thần cầu thị; trả lời câu hỏi, trao đổi vấn đề thể hiện rõ lập trường, chính kiến, không chung chung, ba phải mới thuyết phục được Nhân dân tin tưởng, ủng hộ và bỏ phiếu cho mình". Để đạt kết quả cao trong các hội nghị tiếp xúc cử tri, ứng cử viên cần nắm vững và hoàn toàn chủ động khi trình bày chương trình hành động của mình, tránh tình trạng lệ thuộc vào văn bản, bản viết sẵn và đọc một mạch mà không hề quan tâm tới thái độ của cử tri đối với những vấn đề mình trình bày (Nếu ứng cử viên thiếu tự tin khi xây dựng chương trình hành động thì có thể nhờ các chuyên gia hoặc người có kinh nghiệm tư vấn). Đặc biệt, cần chú ý, thận trọng cân nhắc khi hứa hẹn với cử tri. Theo Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - người có nhiều kinh nghiệm vận động bầu cử, khi ứng cử viên công bố chương trình hành động của mình nhất thiết phải tuân thủ pháp luật, không được vi phạm những điều cấm trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; đồng thời, chương trình phải sát thực, chuẩn mực, có tính văn hóa và có ý nghĩa chính trị-xã hội nhất định. Nội dung càng gần gũi, thiết thực với người dân càng củng cố được lòng tin ở dân; không nên hứa hẹn những điều quá to tát, viển vông, khi không thực hiện được sẽ mất uy tín trước Nhân dân. Điều này là thất bại lớn nhất đối với một đại biểu của dân.

Treo khẩu hiệu chào mừng ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp tại Bưu điện thị xã Hồng Lĩnh (ảnh Bình Nguyên)
Ba là, trang trọng nhưng linh động trong tiếp xúc, trao đổi với cử tri. Thể hiện sự dễ gần và gắn bó với cử tri. Khi trình bày chương trình hành động cần dùng âm lượng vừa phải, dành ánh mắt giao lưu với cử tri để tạo sự gắn kết. Ngoài đến sớm để có thời gian thăm hỏi thì nếu có thời gian giải lao, các ứng cử viên cũng cần tranh thủ giao lưu, thăm hỏi cử tri; tránh tình trạng các ứng cử viên chỉ ngồi trong hội trường nói chuyện với nhau.
Bốn là, giữ bình tĩnh khi cử tri chưa hiểu đúng về mình. Nét mặt phải tươi vui, cần luôn luôn nhìn vào người đang nói với anh mắt khích lệ. thân thiện. Tuyệt đối không cắt ngang lời nói của cử tri dù cử tri có vẻ gay gắt. Cử tri nói xong mà chưa rõ có thể đề nghị nhắc lại. Trả lời lịch sự, khiêm tốn, cởi mở, cầu thị. Chưa rõ thì xin tiếp thu.
Năm là, Ửng cử viên cần phải giữ gìn sức khỏe trong quá trình tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử (đối với thị xã Hồng Lĩnh và các phường, xã trong khoảng 5 ngày từ 11 đến 15/5/2016 với 05 buổi tiếp xúc/đơn vị bầu cử)
5 điều nên tránh trong vận động cử tri
Một là, trễ giờ, vắng mặt trong các buổi tiếp xúc cử tri
Hai là, chương trình hành động nội dung dài, dàn trải, hứa suông, hứa nhiều, trình bày lan man, mất nhiều thời gian, nói quá nhiều về bản thân.
Ba là, tránh hình thức, khuôn mẫu và những biểu hiện xa cách cử tri.
Bốn là, tỏ thái độ mất bình tĩnh khi cử tri hiểu chưa đúng.
Năm là, tỏ ra mệt mỏi, thờ ơ thiếu tập trung lắng nghe hoặc làm việc, nói chuyện riêng trong khi tiếp xúc cử tri.
Được cử tri nơi công tác, nơi cư trú tín nhiệm đề cử và UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 – 2021 là vinh dự của các ứng cử viên. Gắn với vinh dự là trách nhiệm nặng nề của một ứng cử viên đại diện cho Nhân dân tham gia vào cơ quan quyền lực của địa phương, thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật hiện hành. Xác định được điều đó nên mỗi ứng cử viên cần thấy được ý thức trách nhiệm để chuẩn bị thật tốt các bước trước khi ra ứng cử, chuẩn bị tốt là thể hiện ý thức trước tổ chức và trách nhiệm trước cử tri, tham gia hội nghị TXCT để vận động bầu cử nghiêm túc./.
TIẾN DŨNG