Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 3.9.1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị một trong sáu nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là "...tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu"để bầu ra Quốc hội. Ngày Chủ nhật 06.01.1946 toàn thể Nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt trai gái, già trẻ đã đi bỏ phiếu để bầu những người đại biểu xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên của nước ta.

Ngày 05.01.1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: " ...Ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình..."
Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ngày 6-1-1946, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, Nhân dân ta từ Bắc chí Nam, trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã nô nức tham gia bầu cử, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối. Trong những vùng bị địch tạm chiếm đóng, Nhân dân tập trung bỏ phiếu, quân Pháp kéo đến khủng bố, Nhân dân phải mang thùng phiếu chạy đến một nơi khác và tiếp tục bỏ phiếu. Có địa phương, trong ngày bầu cử, nhân dân phải di chuyển 4 lần đến 4 địa điểm khác nhau để hoàn thành việc bỏ phiếu. Hay như ở Buôn Krong tỉnh Đắk Lắk, Nhân dân tập trung ở nhà già làng để bỏ phiếu, địch tới bao vây, Nhân dân chạy sâu vào rừng, địch lại tấn công vào rừng, nhân dân đi sâu vào khe suối, mang theo cả gạo ăn để bỏ phiếu. Có cụ già hơn 80 tuổi đi bộ từ sáng đến tối, vượt qua cả cánh rừng để đến điểm bầu. Khi đến nơi cụ xòe tay ra, tờ thẻ cử tri nhàu nát vì cụ giữ nó quá chặt. Ở nhiều nơi, sau khi công khai kiểm tra thùng phiếu, hàng loạt thùng phiếu được khoan lỗ để bắt vít dính chặt xuống mặt bàn nhằm bảo vệ thùng phiếu, đề phòng kẻ gian cướp thùng phiếu... Trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ấy đã có không ít những lá phiếu nhuốm máu cả người đi bầu, cả người tổ chức bầu cử.Ở Nha Trang, Mỹ Tho, Cần Thơ, Tân An, Tây Nguyên... quân đội Pháp đã ném bom, bắn phá, làm một số người chết và bị thương.Riêng ở Sài Gòn - Chợ Lớn có tới 42 cán bộ chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ Tổng tuyển cử.

Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã thành công trên phạm vi cả nước. (Ảnh tư liệu).
Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã thành công trên phạm vi cả nước, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của bọn phản động ở phía Bắc và cuộc xâm lăng tàn bạo của thực dân Pháp ở phía Nam. Cụ thể là: tính chung cả nước,số cử tri tham gia bỏ phiếu là 89%, trong khi đó theo quy định củaĐiều 56 SL số 51 về Thể lệ Tổng tuyển cử, chỉ cần một phần tư (1/4) số cử tri có quyền bầu cử đi bầu thì cuộc bầu cử đã có giá trị. Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được333 đại biểu, trong đó 57% số đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% không đảng phái, 10 đại biểu nữ, 34 đại biểu các dân tộc thiểu số.
Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đánh dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử nước ta khi lần đầu tiên người dân Việt Nam thông qua lá phiếu của mình được quyền trực tiếp lựa chọn, bầu những người có tài, có đức vào Quốc hội để gánh vác công việc nước nhà. Thành công của cuộc Tổng tuyển cử đã đánh dấu sự ra đời của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày nay là Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Qua 13 khóa hoạt động, thông qua 5 bản Hiến pháp và nhiều đạo luật quan trọng cùng với nhiều đổi mới về tổ chức, hoạt động, Quốc hội ngày càng khẳng định vai trò quan trọng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Sau 70 năm kể từ ngày bầu cử đầu tiên, Quốc hội đã có những bước phát triển lớn mạnh, gắn chặt với lịch sử phát triển của đất nước, cùng với Nhân dân thực hiện cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, quyết liệt trên các mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa; thực hiện đường lối đổi mớicho đến nhiệm vụ CNH, HĐH đất nước trong giai đoạn hiện nay… Hoạt động giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng đổi mới tiến bộ. Công tác dân nguyện, tiếp dân và giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân luôn được Quốc hội và các vị ĐBQH xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội có nhiều đổi mới, chủ động, tích cực, thực hiện có kết quả đường lối đối ngoại mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, vị thế nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
70 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã trải qua một chặng đường vẻ vang với 13 khóa, xây dựng một chỗ đứng vững chắc trong lòng Nhândân, không ngừng lớn mạnh và phát triển, ngày càng khẳng định vững chắc, vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, thực hiện tốt chức năng cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Trong mỗi giai đoạn thăng trầm của cách mạng, Quốc hội giúp khơi dậy ý chí và tinh thần đoàn kết trong toàn dân, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Phát huy truyền thống 70 năm năm của Quốc hội Việt Nam mà dấu ấn là Ngày bầu cử đầu tiên, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và hướng tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 đã được Quốc hội khóa XIII ấn định làChủ nhật, ngày 22 tháng 5 năm 2016./.
TIẾN DŨNG