Thời gian ngày càng lùi xa nhưng các sự kiện thành lập của các ngành, các tổ chức, sự chiến đấu, hy sinh của của Đảng, của quân, dân ta vẫn mãi là những mốc son trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc. Những sự kiện ấy đã được lớp lớp thế hệ con người Việt Nam cảm thụ trên nhiều phương tiện như thơ, ca, nhạc họa…Nhưng sống động nhất là khi chúng ta đứng trước từng địa danh lịch sử đó. Cảm nhận ấy có được trong tôi là từ một chuyến đi lịch sử, "hành hương về nguồn", về thăm Điềm mặc, Định Hóa, Thái Nguyên nhân kỷ niệm 65 năm, ngày truyền thống ngành Kiểm tra của Đảng (tháng 10/2013). Nhân kỷ niệm 67năm ngày truyền thống Ngành Kiểm tra của Đảng, xin được viết về chuyến thăm của đoàn cán bộ Ủy ban kiểm tra Thị ủy Hồng Lĩnh chiến khu Việt Bắc, nơi "quê hương cách mạng dựng lên cộng hòa" thuở trước.

Di tích lịch sử cách mạng Nơi ở và làm việc của Bác Hồ ở đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá.

Bước sang năm 2013, ngay từ đầu năm Ủy ban kiểm tra Thị ủy đã triển khai nhiều nội dung thi đua, hướng về kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành kiểm tra của Đảng (16/10/1948- 16/10/2013) làm cho đội ngũ làm công tác kiểm tra từ cơ sở càng tin tưởng, đoàn kết, quyết tâm hoàn thành chương trình, kế hoạch đề ra. Một trong những nội dung thiết thực hướng tới kỷ niệm ngày truyền thống của ngành là tổ chức chuyến hành hương về nguồn, nơi ra đời của Ủy ban Kiểm tra Trung ương 65 năm trước. Thành phần tham gia đoàn gồm toàn thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Ủy ban kiểm tra Thị ủy, các đồng chí Bí thư Đảng ủy, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra 6 xã, phường. Trước khi xuất phát,đồng chí Nguyễn Thăng Long- Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thị ủy- Trưởng đoàn nhắc nhở: "đây là chuyến đi rất có ý nghĩa, về thăm chiến khu Việt Bắc, thăm di tích lịch sử cách mạng để hiểu rõ thêm truyền thống cách mạng của Đảng ta nói chung và của ngành kiểm tra Đảng nói riêng, cũng là vinh dự, trách nhiệm của người cán bộ kiểm tra Đảng. Vì vậy, mỗi thành viên trong đoàn phải có tâm thế thật tốt, học tập, cảm thụ thật sâu sắc, nâng cao niềm tự hào và tinh thần trách nhiệm, hiệu quả trong công tác…"

Trong hành trình chuyến đi, đoàn đến Phú Thọ, dâng hương khu di tích Đền Hùng, rồi ngược Quốc lộ số 2 lên Tuyên Quang thăm Tân Trào. Điều thật ấn tượng là đoàn chúng tôi đến khu di tích lịch sử Tân Trào đúng vào ngày 16/8, ngày cách đây 68 năm trước đã diễn ra Quốc dân Đại hội Tân Trào. Tại đây có nhiều di tích lịch sử thật ấn tượng mà trước đây mọi người chỉ được được xem trong sách báo, nay được tận mắt " mục sở thị" tràn đầy cảm xúc, như mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, đặc biệt là lán Nà Lừa, nơi Bác ở, làm việc và trực tiếp lãnh đạo Cách mạng. Biết chúng tôi là đoàn cán bộ từ xứ Nghệ, quê hương Bác, chi Vi Thị Nhung, nữ dân tộc Nùng niềm nở giới thiệu tỷ mỷ về những ngày tháng Bác từ Pắc Pó về Tân Trào. Nơi đây các tộc Việt Bắc rất kính yêu Bác và gọi Người là "ông Ké Cách mạng". Chính nơi lán Nà Lừa cũng là nơi Bác chuẩn bị những tư liệu để viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Một câu chuyện mà đoàn chúng tôi nhớ nhất là trong quá trình hoạt động, quan hệ với đồng bào nơi đây, Bác Hồ đã hướng dẫn cho đồng bào chế biến món nhút mít xứ Nghệ, được đồng bào các dân tộc Tuyên Quang truyền tụng đến bây giờ. Xúc động trước sự kiện ấy, anh Nguyễn Tiến Dũng, Ủy viên Thường trực HĐND Thị xã đã sáng tác ngay bài thơ Thăm Lán Nà Lừa, bài thơ đã để lại nhiều cảm xúc cho anh em trong đoàn.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Bia kỷ niệm thành lập và trụ sở đầu tiên Ban kiểm tra Trung ương đồi Pụ Miếu, xã Điềm Mặc- huyện Định Hóa- Thái Nguyên.

Từ Tân Trào đoàn chúng tôi ngược về Định Hóa- Thái Nguyên, nơi An toàn khu trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Xe đi qua những cánh rừng nguyên sinh, tiếp đến là những rừng cọ, đồi chè nhấp nhô như sóng lượn, những bản làng với những mái ngói đỏ tươi ẩn hiện. Trên những cung đường, bắt gặp bà con các dân tộc với những trang phục sặc sỡ, vẻ mặt tươi tắn, rạng rỡ nụ cười. Điểm đầu tiên đến Định Hóa, đoàn chúng tôi đến dâng hương Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh Đèo De, phía sau là núi Hồng cao vời, trùng điệp, làm tôi nhớ đến câu thơ của Tố Hữu: " Vui từ Đồng Tháp An Khê, vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng". Đền thờ Bác trên đỉnh đèo De được bài trí thật trang trọng, gian chính giữa tượng Bác, hai bên có hai câu đối do Giáo sư Vũ Khiêu soạn thảo: "Thu hết tinh hoa kim cổ lại; nâng cao văn hiến nướcnon nhà". Sau khi dâng hương tưởng niệm Bác, anh Nguyễn Thăng Long thay mặt đoàn viết vào sổ lưu niệm, bày tỏ lòng thành kính trước anh linh Bác.

Đ/c Nguyễn Thăng Long UVBTV- CNUBKT Thị ủy Hồng Lĩnhviết lời cảm tưởng tại Đền thờ Bác Hồ trên đèo De

Tiếp tục cuộc hành trình, đoàn đã về xã Điềm Mặc, thăm, dâng hương tại nhà bia ghi nhớ thời khắc lịch sử vào ngày 16/10/1948 tại đồi Pụ Miếu, thôn Phụng Hiển, xã Điềm Mặc đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh thay mặt Thường vụ Trung ương Đảng đọc quyết định số 29-QĐ/TW thành lập Ban Kiểm tra Trung ương và chỉ định đồng chí Trần Đăng Ninh- Ủy viên Trung ương Đảng làm Trưởng ban, đồng chí Nguyễn Thanh Bình- Khu ủy viên và đồng chí Hà Xuân Mỹ (Hà Minh Quốc)- Tỉnh ủy viên UBKT Trung ương. Tiếp đó các ủy viên tiếp tục được bổ sung, lúc cao nhất có 23 đồng chí. Trong 3 năm 1948- 1950 trụ sở của Ban đóng tại đồi Pụ Miếu, thôn Phụng Hiển, xã Thanh Định (nay là xã Điềm Mặc). Đây là giai đoạn Đảng ta đang hoạt động bí mật nhưng lại giữ vai trò to lớn để lãnh đạo cuộc kháng chiến, kiến quốc trường kỳgian khổ để đi đến thắng lợi. Vì vậy, vai trò kiểm tra của Đảng và đội ngũ làm công tác kiểm tra càng có ý nghĩa và tầm quan trọng. Nhằm động viên, giám sát, kiểm tra tổ chức Đảng, đảng viên giữ vững bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, trung thành tuyệt đối với Đảng, với dân tộc. Từ đó để tiếp tục hy sinh, phấn đấu, lãnh đạo cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; đặt nêng móng vững chắc và tiếp tục phát triển quan điểm của Đảng cả về lý luận và thực tiễn: " kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng", đồng thời thống nhất về tư tưởng chỉ đạo trong công tác kiểm tra: "Chủ động- chiến đấu- giáo dục- hiệu quả".

Chiều ngày 17/10/2013 đoàn rời Định Hóa trở về, trời trung du trong xanh, nắng như mật ong trãi khắp núi đồi, như muốn níu chân chúng tôi ở lại. Không khí trong xe như trầm lắng hẳn bởi ai cũng lưu luyến, bồi hồi. Từ trải nghiệm của những chứng nhân lịch sử, ngay trong đêm nghỉ lại tại thành phố Thái Nguyên, tôi đã làm xong bài thơ "Cảm xúc Pụ Miếu", bài thơ được đăng tại Tạp chí Kiểm tra Trung ương, số đặc biệt kỷ niệm 65 năm, ngày truyền thống ngành kiểm tra của Đảng.

Những ngày này, nhân kỷ niệm 67năm Ngày truyền thống ngành Kiểm tra của Đảng, tôi xúc động về kỷ niệm chuyến đi hai năm trước và thầm nhớ những vần thơ nung nấu trên đồi Pụ Miếu năm xưa:

"… Suốt sáu lăm năm oanh liêt

Kiểm tra vững bước trưởng thành

Đảng ta triệu người như một

Kiên cường chiến đấu hy sinh

Xốn xang nắng chiều Việt Bắc

Ôn trang lịch sử rạng ngời

Tự hào đứng trong đội ngũ

Càng tin yêu Đảng trọn đời"./.

Nguyễn Trường Thiện


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
 Liên kết website
Thống kê: 5.391.640
Online: 32
ipv6 ready