Ngày 25/3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 09/2015/QĐ-UBND ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2015, thay thế Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước của địa phương.

Cải cách hành chính là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế
(Ảnh minh họa)
Theo đó, Quyết định 09 có 6 chương, 17 điều và 04 biểu mẫu kèm theo. Trong đó, ở phần quy định chung, Quyết định đã định nghĩa:Cơ chế một cửalà cách thức giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của một cơ quan hành chính nhà nước trong việc công khai, hướng dẫn thủ tục hành chính, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả được thực hiện tại một đầu mối là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan hành chính nhà nước.Cơ chế một cửa liên thônglà cách thức giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của nhiều cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp hoặc giữa các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc công khai, hướng dẫn thủ tục hành chính, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả được thực hiện tại một đầu mối là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của một cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời, quy định rõ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả là đầu mối tập trung hướng dẫn thủ tục hành chính, tiếp nhận hồ sơ của cá nhân, tổ chức để chuyển đến các cơ quan chuyên môn hoặc cấp có thẩm quyền giải quyết và nhận, trả kết quả cho cá nhân, tổ chức. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có trang thiết bị điện tử và áp dụng phần mềm điện tử trong các giao dịch hành chính giữa cá nhân, tổ chức với cơ quan hành chính nhà nước và giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau trong việc công khai, hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ để chuyển đến các cơ quan chuyên môn giải quyết và nhận, trả kết quả cho cá nhân, tổ chức theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trên tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước.
Các nguyên tắc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông bao gồm:
Niêm yết công khai, đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính tại Quyết định công bố thủ tục hành chính của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định.
Bảo đảm giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện cho cá nhân, tổ chức; việc yêu cầu bổ sung hồ sơ chỉ được thực hiện không quá một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ tại một cơ quan chuyên môn.
Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức.
Việc thu phí, lệ phí của cá nhân, tổ chức được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Cơ quan áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông:
Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;
Các cơ quan của Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương.
Phạm vi áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông
Cơ chế một cửa được thực hiện trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của một trong các cơ quan: Cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; UBND xã, phường, thị trấn; các cơ quan của Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương.
Cơ chế một cửa liên thông được thực hiện trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực: Đầu tư; đất đai; đăng ký kinh doanh; cấp giấy phép xây dựng; tư pháp và các lĩnh vực khác thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan hành chính nhà nước.
Ngoài ra, Quy chế cũng quy định một số nội dung khác về quy trình thực hiện cơ chế một cửa; quy trình thực hiện cơ chế một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính; vị trí của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; diện tích làm việc, trang thiết bị của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả...
Không để người dân phải bổ sung hồ sơ nhiều lần
Quyết định trên cũng quy định về công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Theo đó, đội ngũ công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phải đảm bảo đủ về số lượng và có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp đáp ứng yêu cầu công việc; có phẩm chất, đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao; có tác phong, thái độ chuẩn mực, có khả năng giao tiếp tốt với cá nhân, tổ chức.
Đội ngũ công chức phải tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện các giao dịch hành chính; hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính đầy đủ, rõ ràng, chính xác đảm bảo cá nhân, tổ chức chỉ phải bổ sung hồ sơ một lần…
Tóm lại, sự ra đời của Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg ra đời đã khẳng định những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đang dần được hiện thực hóa qua những nỗ lực thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) ở nhiều cấp ban ngành nhằm mang lại dịch vụ hành chính tốt nhất, nhanh nhất cho người dân và doanh nghiệp./.
KIM ANH