"... Có người đã vượt đò Cài
Băng qua sông Trẹm để tìm ngài (người) hát hay!"
Người đó là ai ? Xin thưa đó chính là Hồng Sơn liệp hộ, người thợ săn thuở xưa của núi Hồng – đại thi hào Nguyễn Du thời còn trai trẻ. Để rồi, sau khi vượt đò Cài, vượt bao dâu bể của cuộc đời, ông viết lên tiếng kêu đứt ruột – đoạn trường tân thanh cho những thân phận con người trong xã hội thời bấy giờ, thêu dệt nên chuyện tình Kim – Kiều xúc động, đắm say lòng người.

Tượng đài Nguyễn Du tại Khu di tích Nguyễn Du (Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh)
Nguyễn Du, tên chữ là Tố Như, tên hiệu là Thanh Hiên, quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh năm 1765 (Ất Dậu) trong một gia đình có nhiều đời và nhiều người làm quan to dưới triều Lê - Trịnh. Cha là Nguyễn Nghiễm từng giữ chức Tể tướng 15 năm. Mẹ là Trần Thị Tần, một người phụ nữ Kinh Bắc có tài hát xướng. Sinh ra và lớn lên ở đất Thăng Long, Nguyễn Du trải qua thời thơ ấu êm đềm trong nhung lụa, tư chất thông minh lại có điều kiện được giáo dục trong môi trường tốt nên ông đã bắt đầu phát huy tài năng. Lên 10 tuổi lần lượt mồ côi cả cha lẫn mẹ, cuộc đời Nguyễn Du bắt đầu gặp những sóng gió, ông sống nhờ Nguyễn Khản (anh cùng cha khác mẹ làm Thừa tướng phủ chúa Trịnh), khi Nguyễn Khản bị giam, bị Kiêu binh phá nhà phải chạy trốn. Năm 19 tuổi, Nguyễn Du thi đỗ tam trường rồi làm một chức quan võ tận Thái Nguyên. Chẳng bao lâu nhà Lê sụp đổ (1789) Nguyễn Du lánh về quê vợ ở Thái Bình. Vợ mất, ông lại về quê cha, có lúc dạt lên Bắc Ninh quê mẹ. Hơn mười năm chìm nổi long đong ngoài đất Bắc, Nguyễn Du sống gần gũi với Nhân dân và thấm thía biết bao nỗi ấm lạnh kiếp người, đặc biệt là người dân lao động, phụ nữ, trẻ em, cầm ca, ăn mày ... những con người"dưới đáy". Chính nỗi bất hạnh lớn trong cuộc đời đã hun đúc nên thiên tài Nguyễn Du- nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi, nhà Nguyễn đã triệu Nguyễn Du ra làm quan. Năm 1813 được thăng chức Học sỹ điện Cần Chánh và cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc. Năm 1820, ông lại được cử đi lần thứ hai nhưng chưa kịp đi thì mất đột ngột ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn (18.9.1820). Suốt thời gian làm quan cho nhà Nguyễn, Nguyễn Du sống trầm lặng, ít nói, có nhiều tâm sự không biết tỏ cùng ai. Suốt cả cuộc đời, làm quan, lưu lạc, ông đã để lại cho đời ba tập thơ chữ Hán là:Thanh Hiên thi tập,Nam Trung tạp ngâmvàBắc hành tạp lục, tổng cộng 250 bài. Về thơ Nôm, Nguyễn Du có kiệt tácĐoạn trường tân thanh(Truyện Kiều),Văn tế thập loại chúng sinh(Văn chiêu hồn) và một số sáng tác đậm chất dân gian nhưVăn tế sống hai cô gái Trường Lưu; vèThác lời trai phường nón. Giáo sư Nguyễn Lộc đã từng nhận định: "Có thể tìm thấy một sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Du từ Thơ chữ Hán đến Truyện Kiều, Văn chiêu hồn. Nguyễn Du trở thành vĩ đại chính vì Nguyễn Du là một nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa. Mặc dù xuất thân từ giai tầng quý tộc, nhưng Nguyễn Du lăn lộn nhiều trong cuộc sống của quần chúng, đã lắng nghe được tâm hồn và nguyện vọng của quần chúng...Thơ Nguyễn Du dù viết bằng chữ Nôm hay chữ Hán đều đạt đến trình độ điêu luyện... Nguyễn Du vẫn chỉ là một nhà thơ dừng lại trước ngưỡng cửa của chủ nghĩa hiện thực". Nói đến thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Du ta không thể không nhắc đến Truyện Kiều. Chính bản thân ông và các yêu tố quê hương, gia đình và thời đại đã mang lại cho dân tộc Việt Nam một đại thi hào dù sinh ra trong một gia đình trâm anh thế phiệt nhưng phải trãi một đời nhiều long đong, lưu lạc để rồi từ đó chắt chiu mật ngọt, hiến dâng cho đời những tác phẩm chan chứa tình đời, tình người nhưng cũng rất điêu luyện về nghệ thuật. Đọc tác phẩm của ông, ta như thấy được một thi nhân thâm thuý, trải đời, ở đó, lòng nhân ái, sự nóng bỏng khát khao cuộc sống bình yên cho dân tộc, cho Nhân dân mà trước hết là cho thân phận những người phụ nữ dưới chế độ phong kiến hà khắc như giọt máu đào nhỏ ra từ ngòi bút tài hoa.
Dường như các bậc thiên tài về thơ ca đều có số phận giống nhau, đó là phải trải qua một giai đoạn nổi chìm, gian truân để họ hòa mình vào đời sống người lao động. Puskin được ví như Mặt trời của thơ ca Nga, cũng nhờ có nhiều năm tháng sống, lao động cùng với các tầng lớp lao động nghèo khổ ở miền Nam nước Nga, Kavkaz, Krưm, … để từ đó ông đã có nhiều kiệt tác, sống mãi với thời gian, như "Người tù binh Kavkaz", " anh em lũ cướp"… Đặc biệt là tiểu thuyết thơ vĩ đại Yevgeny Onegin…Còn ở phương Đông các cây đại thụ thơ Đường như Đỗ Phủ, Lý Bạch, Lục Du… đều cũng trải qua biết bao thăng trầm, dâu bể của cuộc đời, nhờ hòa mình vào cuộc sống Nhân dân lao động mới thai nghén ra các tác phẩm văn học mang đậm chủ nghĩa hiện thực. Nhà thơ, nhà văn Phùng Quán xúc cảm với cuộc đời, số phận của Đỗ Phủ, đã từng viết:
"...Ôi thân phận nhà thơ
Khác nào thép không rỉ
Ngàn năm cũng thế thôi!...
Đã đi với Nhân dân
Thì thơ không thể khác
Dân máu lệ khốn cùng
Thơ chết áo đắp mặt!
Em ơi, nếu Đỗ Phủ
Vai khoác áo lông cừu
Bụng no đến muốn mửa
Viết sao nổi câu thơ
Ngàn năm cháy như lửa:
Cửa son rượu thịt ôi
Ngoài đường xương chết buốt …"
(Đêm Nghi Tàm đọc thơ Đỗ Phủ cho vợ nghe)

Một cảnh trong vởdiễn của Đội văn nghệ thị xã Hồng Lĩnh tại chung kết liên hoan Ngâm thơ Kiều, diễn trò Kiều do Sở VHTTDL tổ chức (TTVH)
Chắc chắn thiên tài Nguyễn Du cũng không ngoại lệ. Điều gì đã tạo nên cốt cách của Đại thi hào ngoài tài năng ra ? Đó chính là con người của nhà thơ, là nhân cách nhà thơ, nó vượt ra khỏi ranh giới tình cảm của người bình thường. Điều khiến chúng ta kính trọng Nguyễn Du chính là tấm lòng nhân hậu của người. Có lẽ, đây chính là yếu tố quan trong để ông có được những tác phẩm văn học chứa đựng những giá trị nhân đạo sâu sắc. Nếu như Kiều 15 năm lưu lạc thì cuộc đời ông cũng "thập tải phong trần", không biết đã bao nhiêu lần ông "Khéo dư nước mắt, khóc người đời xưa". Không chỉ đa tài, đa tình, ông còn là thi sỹ đa đoan, thi nhân bất hạnh bởi người tự vận nỗi đau, nỗi bất hạnh của người khác vào mình (Phong vận kì oan ngã tự cư – Độc Tiểu Thanh ký). Lòng nhân hậu khiến ông luôn nhạy cảm với nỗi đau khổ của người khác, vì thế những thi phẩm của ông luôn đầm đìa nước mắt: nước mắt của nàng Kiều, nước mắt của người ca nữ đất Long Thành và của nàng Tiểu Thanh. Họ đều là những con người tài hoa, tài sắc song toàn mà mệnh bạc. Một con người có tấm lòng với tài năng thiên bẩm lại trải qua những năm tháng lận đận, đói khổ cùng Nhân dân, chính những yếu tố đó đã tạo nên đại thi hào Nguyễn Du với tác phẩm tuyệt bút Truyện Kiều. Có thể nói, Nguyễn Du đã gửi gắm ở Truyện Kiều một tình yêu lớn đối với tiếng nói và thể thơ dân tộc. Ông dùng những từ ngữ, những cách diễn đạt gần gũi với tiếng nói của nhân dân. Dân dã mà vẫn thật hay, vẫn uyên bác và giàu chất nghệ thuật. Ví như trong đoạn Kim Trọng từ biệt Thúy Kiều để về Liêu Dương hộ tang chú. Chàng dặn người yêu chung thủy, giữ gìn là một câu không dễ tìm ra lời, vì có thể làm người yêu phật ý… Gìn vàng, giữ ngọc cho hay
Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời". Giản dị, nhẹ nhàng, dân dã nhưng cũng thâm thúy biết bao "dặn như rứa mần răng mà không chung thủy cho được"!
Một điều mà nhiều nhà nghiên cứu về Nguyễn Du đều cảm nhận giống nhau, đó là chất liệu để Nguyễn Du đưa vào Truyện Kiều có ý nghĩa rất quan trọng. Đó chính là hình bóng sông núi, cỏ cây, con người xứ Nghệ:
"Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Bụi hồng dặm cuốn chinh an
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh"
"Có bột mới gột nên hồ", chất liệu của câu thơ ấy phải được con mắt cụ Nguyễn nhận ra từ con đường Thiên lý đi men theo chân núi Hồng, khi nắng chiều mùa thu rải vàng trên những đồi thông và sương khói từ mặt sông Lam quyện bay trên những ruộng dâu tít tắp. Hay như các câu thơ:
" Buồn trông nội cỏ dàu dàu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi…"
Nếu ai đó đã một lần đứng trên bến Giang Đình, nơi quê hương của Thi hào mới thấy được câu thơ ấy chỉ được hoài thai khi chiều đông man mác gió, con nước xuống, nước sông Lam dào dạt chảy về cửa Hội, cụ Tiên Điền đứng trên bến Giang Đình, hóa thân thành thân phận nàng Kiều xa quê nhớ lại tháng ngày tha phương trên đất khách.

Bến Giang Đình (Ảnh: Internet)
Cùng với sông núi, con người xứ Nghệ ân nghĩa, thủy chung, đậm đà bản sắc đã hun đúc cho nhà thơ một tâm hồn trong sáng, đa sầu, đa cảm. Sau những tháng ngày phiêu bạt do thời cuộc, loạn ly, cụ được trở về đoàn tụ với gia đình, dòng họ, quê hương nơi quê cha, đất tổ đầm ấm nghĩa tình. Cảm xúc đó dồn nén vào đáy lòng để thi hào thăng hoa nên những vần chứa chan xúc động:
" Khúc đâu đầm ấm dương hòa
Ấy là hồ điệp, ấy là Trang Sinh
Khúc đâu êm ái xuân tình
Ấy hồn Thục Đế hay mình đỗ quyên
Trong sao châu nhỏ duềnh quyên
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông!… "
Thiên tài Nguyễn Du còn chỗ sử dụng nghệ thuật ước lệ để đưa vào tiếng Việt một cách tài tình, uyên bác. Tiếng Việt dường như đẹp hơn, giàu hình ảnh và sắc điệu hơn khi ông "nhả ngọc phun châu" vào tả cảnh mùa thu như một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp:
"Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng''
Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết "Khi Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn", đó là cách nhìn rất văn chương về giá trị to lớn cả về nội dung lẫn nghệ thuật của Truyện Kiều. Có thể nói mỗi một câu trong Truyện Kiều đều là sự kết tinh tuyệt mỹ giữa tài năng và nhân cách Nguyễn Du, chưa có tác phẩm nào mà thể thơ lục bát và các nghệ thuật ngôn từ của dân tộc được vận dụng một cách tài tình, ở trong đó tôi nhìn thấy "điệu ví giặm quê nhà", những cách nói vần vè đậm chất dân ca nghệ Tĩnh, giản dị, chất phác nhưng cũng đằm thắm, duyên dáng và thâm thúy biết bao. Bởi vậy học giả Phạm Quỳnh đã có câu nói bất hủ : "Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn", thật là chí lý!
Tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm truyện Kiều, tôi như được sống lại những năm tháng học trò, nhớ sao những giờ học văn, chẳng có bảng trắng, bút xanh, chẳng có tivi, đèn chiếu, chỉ là bảng đen, phấn trắng đơn sơ nhưng thầy trò chúng tôi đã say sưa trong từng tiết học, tình yêu văn học được thổi bùng mạnh mẽ trong trái tim thơ ngây của những đứa học trò nghèo chính là những câu lục bát được thầy bình lên với tất cả lòng kính phục đối với Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Lớp có hơn 30 học trò thì có ngần ấy đôi mắt dõi theo diễn biến đời Kiều qua từng tiết học, rồi nhiều đứa sụt sùi khi thầy bình đoạn "trao duyên", đoạn "Kiều ở lầu Ngưng Bích". Để rồi từ đó, chúng tôi không ai bảo ai, biết sống tốt hơn, biết nghĩ cho bạn bè, cho cha mẹ, ai cũng thấy trong mình phơi phới niềm tin yêu cuộc sống, biết yêu thương, biết sẻ chia, biết ước mơ, khao khát đem hết sức mình để sống có ích, khát khao cống hiến sức trẻ để làm giàu cho quê hương, cho đất nước./.
BÌNH NGUYÊN