Hành tăm là loại cây dễ trồng, thâm canh tốt có thể cho năng suất 300- 380kg/ sào ( 0,6- 0,76 kg/ m2). Việc thu hoạch thông qua lưới xăngtylen vừa tiết kiệm công lao động, vừa không bị rơi vãi, dập nát. Thu hoạch trên lưới mỗi sào chỉ cần 2- 3 công, trong khi đó nếu trồng theo phương pháp truyền thống phải cần tới 15-20 công, tiết kiệm thời gian gấp 7- 10 lần. Để khuyến khích hộ sản xuất thâm canh và mở rộng diện tích hành tăm theo chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, UBND Thị xã Hồng Lĩnh đã ban hành Đề án sản xuất nông nghiệp năm 2016, theo đó sẽ hỗ trợ cho các hộ sản xuất quy mô tập trung (tối thiểu 0,5ha) 40 % chi phí giống hành, 40 % chi phí đầu tư lưới xăngtylen.
Xin giới thiệu về kỹ thuật trồng hành tăm trên lưới xăngtylen với bà con nông dân trước khi bước vào vụ sản xuất.

Hành tăm còn có tên gọi khác là hành hoa. Tên khoa học à Allium fistulosum.Hành tăm được sử dụng nhiều trong đời sống, là gia vị chủ lực trong chế biến thức ăn, làm tăng độ thơm ngon và có tác dụng khử tanh thực phẩm từ thịt, cá…Ngoài ra, hành còn là cây có giá trị trong làm thuốc chữa bệnh. Theo đông y, hành tăm có tác dụng ôn ấm tỳ vị, tiêu đờm, giảm ho, làm ra mồ hôi (phát hãn), lợi tiểu, sát khuẩn, giải độc, tiêu viêm... có tên vị thuốc là thông bạch, thanh thông, được dùng làm thuốc ra mồ hôi, lợi tiểu, sát trùng, chữa đau răng, chữa tê thấp, chữa cảm mạo, cảm hàn, nhức đầu, bí tiểu tiện, côn trùng cắn, ngộ độc chì...
Với tính chất và giá trị đó cùng với đặc tính dễ trồng nên hành được Nhân dân ta trồng khắp nhiều nơi và cho giá trị kinh tế cao. Tuy vậy, trong các khâu thâm canh hành tăm, việc thu hoạch là khâu phức tạp. Vì sau khi kết thúc chu kỳ sinh trưởng, thân cây tàn lụi, củ còn ẩn trong đất một thời gian khá dài mới đủ độ chín để thu hoạch, khi đó cỏ dại bao phủ cùng với đất và rơm, rạ, xác phân rác che lấp làm cho việc thu hoạch rất khó khăn. Cùng với đó giai đoạn thu hoạch hành thường vào tháng 4, tháng 5 năm âm lịch. Đây là thời kỳ nhà nông bước vào thu hoạch lúa, màu và chuẩn bị sản xuất vụ hè thu... giai đoạn này được ví là " một ngày làm, một tháng ăn". Nông vụ cập rập lại đặt trong điều kiện thời tiết nóng, bức nên việc thu hoạch hành gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều công sức. Nếu thu hoạch muộn, gặp mưa rào dễ gây thối củ. Chính vì vậy người nông dân không có điều kiện mở rộng diện tích trồng hành mà chỉ trồng một diện tích vừa phải đủ trang trải dùng trong gia đình. Để giải quyết khó khăn trên, Hội KH&KT phường Trung Lương đã xây dựng đề tài: " Trồng hành tăm trên lưới xăng ty len". Đề tài do kỹ sư Nguyễn Trường Thiện làm chủ nhiệm cùng cộng sự là bác sỹ Trần Thị Xoan tiến hành trồng thực nghiệm đầu tiên tại vườn thuốc nam trạm y tế phường Trung Lương từ năm 2013- 2014 và đã cho kết quả tốt.
Kỹ thuật trồng.
*Thời vụ:Hành tăm có thời gian sinh trưởng từ 200đến 210ngày. Xuống giống từ đầu mùa đông, ngay sau khi kết thúc thời kỳ mưa lũ
*Chuẩn bị đất
- Yêu cầu: đất nhiều mùn, thoát nước, ít chua, pH thích hợp từ 6,0-6,5, nếu pH thấp hơn 5,0 cần bón thêm vôi và tro bếp.
- Đất trồng hành cần được phơi ải. Lên luống cao 35-45 cm, luống rộng 1 m- 1,2 m. khoảng cách giữa hai luống là 30 cm để thoát nước và đi lại chăm sóc.
* Khoảng cách trồng:
Khoảng hàng 20 x 25 cm
Hàng cách cây cách cây: 10-12 cm
Lượng giống 7- 10 kg/500 m2. Chọn những củ to, da sắng trắng
* Phân bón
Tổng lượng phân dùng cho 500 m2: phân chuồng hoai 800- 1.000 tấn + 30 kg tro bếp đã ủ + 5 kg urea, 22-28 kg super lân, 9 kg kali, 30 kg vôi bột
Dạng phân có thể sử dụng Urea, DAP, NPK, có thể tăng cường sử dụng thêm các chế phẩm vi lượng (muối borat), chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá để tăng cường dinh dưỡng cho hành và giảm hiện tượng cháy đầu lá. Trong trường hợp hành sinh trưởng xấu có thể dùng Super hume để phun lên lá.
Bón lót: 100 % phân chuồng + 30 kg tro+ 30 kg vôi bột + 12-18 kg super lân + 3 kg kali
* Cách trồng:
- Rạch rãnh: Rãnh sâu 10- 12cm, bón rải vôi và toàn bộ phân hóa học ( urê, supe lân, ka li) trực tiếp xuống lòng rãnh, sau đó đặt lưới xangtylen dọc theo chiều dài của rãnh. Chiều rộng bản lưới từ 20- 22 cm. Sau khi đặt lưới, rải tro bếp và phân chuồng lên trên. ( Do lưới nằm trong đất nên ít bị phân hủy, sau khi thu hoạch tiếp tục bảo quản lưới để dùng cho các năm sau)
Có 2 cách rải tro bếp và phân chuồng
- Nếu lượng phân dồi dào, ta rải một lớp đều trên mặt lưới,
- Nếu lượng phân có hạn, nên rải từng vón theo đúng vị trí để tra củ giống vào.
- Tiếp đó rải một lớp đất tơi, xốp lên bề mặt của phân, độ dày 1,2- 2 cm, mục đích không cho củ giống tiếp xúc với phân, dễ gây thối hỏng củ giống. Đặt củ giống lên mặt đất, hướng cho rễ xuống dưới, mầm lên phía trên. Sau khi tra giống, ta rải trấu đã mục lên mặt luống, độ dày từ 3- 5 cm. Ngoài ra có thể bổ sung thêm một lớp rơm lên trên mặt trấu với độ dày vừa phải (3- 5 cm) để không làm cho thân cây vươn quá dài trong bóng tối, gây yếu mầm. Vùng miền núi, bán sơn địa có nhiều cây vọt, có thể dùng cây vọt tủ lên luống, vừa có tác dụng giữ ẩm cho đất, vừa có tác dụng làm giá đỡ cho lá hành, chống mưa, gió rất hiệu quả.
Chú ý đề phòng gia súc, gia cầm, nhất là gà vào ăn, phá
* Chăm sóc
- Làm cỏ kịp thời
- Tưới đủ ẩm để cây sinh trưởng tốt.
- Bón thúc lần 1, khi cây có 3- 4 lá. Lượng bón 3 kg u ê, 5 kg supelân, 2 kg kali/500 m2. Cách bón bằng cách pha loãng tưới vào gốc.
- Bón thúc lần 2, khi cây có 6- 8 lá. Lượng bón 2 kg urê, 5 kg supelân, 4 kg kali/ 500 m2, cũng bằng cách pha loãng để tưới.
Ngoài ra có thể tưới bổ sung bằng nước tiểu pha loãng, đây là cách thâm canh truyền thống rất hiệu quả.
Cần duy trì tưới qua lá thường xuyên. Khi gặp gió mùa đông bắc, nhiệt độ thấp, cần tưới vào sáng sớm để chống sương muối.
* Phòng trừ sâu bệnh:
- Hành có đặc tính kháng sâu, bệnh rất cao, tuy vậy vẫn có thể xuất hiện các loại sâu bệnh sau:
Sâu hại:
- Sâu xanh da láng (xuất hiện rất sớm và gây hại đến cuối vụ), dòi đục lá (xuất hiện muộn),sâu ăn tạp (Spodoptera litura),bù lạch (Thrips tabaci), rầy xanh lá mạ, rệp non, bọ nhảy chích hút lá gây cháy thành cụm trên ruộng. Sử dụngTrebon để phun.
- Bệnh hại:
+Bệnh cháy đầu lá, hiện tượng rã bẹ,bệnh đốm tímAlternaria pori..., bệnh sương mai: xuất hiện khi có nhiệt độ thấp và ẩm độ không khí cao.Phòng bệnh: Trồng đúng thời vụ, bón phân cân đối, phun đúng định kỳ dùng dịch Boocđo 1% (1 kg phèn chua + 1 kg vôi cục + 100 lít nước lã) hoặc Benlat với lượng 30 - 40 lít nước thuốc/sào. Ngoài ra những ngày có sương nên tưới nước rữa sương hoặc rắc tro bếp.
+ Bệnh than đen: bệnh xuất hiện trên củ khi sắp thu hoạch và trong quá trình bảo quản. Phòng trừ bằng cách cách li củ bị bệnh, dùng Zineb 80% để phun trừ.
- Nếu có bệnh đốm tím, bệnh khô đầu lá thì dùng Antracol 50WP, Dithan M45 .
* Thu hoạch
Khoảng 170- 190ngày tuổi thì hành bắt đầu tàn lá, tuy vậy củ vẫn tiếp tục duy trì trao đổi chất, chuyển hóa mạnh để tích lũy dinh dưỡng cho củ chín, thuần thục. Lúc đó rễ hành chỉ còn rễ cấp một, rễ cấp 2 và hệ thống lông hút đã tiêu hủy hoàn toàn. Khoảng 200- 205 ngày thì thu hoạch là tốt nhất. Trường hợp để quá muộn, gặp mưa, độ ẩm trong đất cao sẽ gây thối củ hoặc việc bảo quản hiệu quả thấp.
Khi thu hoạch chỉ cần dùng thúng hoặc chậu lớn để hứng. Vén mối lưới đầu luống, nhấc dần lên ta sẽ được toàn bộ củ hành và hỗn hợp phân, mùn đã hoai mục. Có thể rây để lọc lấy củ, hoặc cho toàn bộ vào bao bì về điểm tập kết sau đó rây, hoặc quạt loại bỏ tạp chất để bảo quản hoặc bán.
Bảo quản: Vùi củ trong cát mịn ( đã phơi khô, để nguội), để nơi khô ráo, thoáng mát./.
Nguyễn Trường Thiện