Ngày 15 tháng 10 năm 1949, báo Sự thật số 120, với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viếtbài "Dân vận" . Với lời văn hàm súc, giản dị, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, Bác đã đưa ra những luận điểm rất quan trọng về công tác dân vận: "Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Trong suốt quác trình cách mạng, quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã luôn thực hiện tốt công tác dân vận. Phong trào "Dân vận khéo" đã phát triển rộng khắp, trở thành đòn bẩy dấy lên phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, đưa cách mạng nước ta tiến lên từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nhân kỷ niệm 86 năm, ngày truyền thống Dân vận(15/10/1930- 15/10/2015) và trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015- 2020, xin được giới thiệu những nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận và "Dân vận khéo".

Lắng nghe ý kiến Nhân dân
Thứ nhất, phải nhận thức đúng về nước ta là một nước dân chủ, theo đó địa vị cao nhất là dân; dân là chủ và dân làm chủ. Nhận thức này bao hàm cả trách nhiệm và quyền lợi của người dân. Thành quả lớn nhất, có tính đột phá mở đường của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng là mang lại quyền làm chủ thật sự cho người dân. Nước ta là một nước dân chủ có nghĩa là lợi ích vì dân, quyền hạn của dân, trách nhiệm của dân, công việc của dân. Nói tóm lại , quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Không dân vận khéo thì quyền lực của dân sẽ giảm đi cũng có nghĩa là làm cho lực lượng Nhân dân tức là lực lượng cách mạng yếu đi. Vì vậy, để sự nghiệp cách mạng thành công Đảng phải nâng cao năng lực làm chủ của người dân, làm cho Nhân dân biết hưởng quyền làm chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm
Thứ hai, muốn "Dân vận khéo" thì phải có nhận thức đúng về người làm công tác dân vận. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân vận không phải là nhiệm vụ của Ban Dân vận, hay của Đảng, chính quyền, càng không phải chỉ cử ra một ban hoặc vài người mà lại cử cán bộ kém rồi bỏ mặc, không trông nom, giúp đỡ, không trách nhiệm. Dân vận, hay dân vận khéo là công việc của tất cả cán bộ chính quyền, đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức Nhân dân. Chỉ có như vậy mới huy động được lực lượng Nhân dân để giải quyết mọi công việc của kháng chiến, kiến quốc và xây dựng đất nước.
Thứ ba, cách làm "Dân vận khéo". Nhận thức và tổ chức đúng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nhận thức phiến diện, méo mó như kiểu xem khinh công tác dân vận thì rất nguy hiểm, dẫn tới hành động lệch lạc. Do đó, tổ chức và con người có ý nghĩa rất quan trọng. Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: Vấn đề có ý nghĩa quyết định của "Dân vận khéo" là phải thật thà nhúng tay vào việc, phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm.
Có thể hình dung trong bốn bước trong quá trình làm công tác dân vận thể hiện sự gắn bó chặt chẽ giữa nói và làm.
Thứ nhất, phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của nhân dân rồi cùng dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương.
Thứ hai, động viên và tổ chức dân ra thi hành.
Thứ ba, trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân
Thứ tư, khi làm xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng.
Quán triệt những tư tưởng của Bác, quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn không ngừng hoàn thiện những chủ trương, đường lối, chính sách về công tác dân vận, từ Nghị quyết 8B, Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX, gần đây là Nghị quyết số 25- NQ/TW khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới và đặc biệt là các chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đáng chú ý là chuyên đề năm 2015: " về trung thực, trách nhiệm gắn bó với nhân dân; đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh". Nhờ thường xuyên củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân nên cách mạng nước ta luôn giành được thắng lợi.

Hướng dẫn, giải thích cho dân hiểu
Ngày nay cùng với những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập ngày càng sâu rộng khu vực và thế giới, vị thế Việt Nam ngày càng khẳng định; trình độ dân trí ngày càng nâng cao. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiều thời cơ và thách thức đan xen nhau, đòi hỏi nhận thức và hành động của người lãnh đạo phải phù hợp xu thế phát triển, với tình hình thực tế. Việc "giải thích cho dân hiểu" như lời Bác dạy được Đảng ta nêu rõ trong Nghị quyết số 25- NQ/TW khóa XI: "Tăng cường lãnh đạo công tác thông tin, tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan thông tin đại chúng; mở rộng các kênh thông tin truyền thông, đối thoại trực tiếp với nhân dân, góp phần giải tỏa bức xúc, hoài nghi trong xã hội". Người làm công tác dân vận chính là phong cách: "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân". Tuy vậy, bên cạnh những thành công căn bản, tệ nạn tham nhũng, quan liêu và những biểu hiện tiêu cực khác đang làm xói mòn niềm tin của dân với Đảng. Vì vậy, đẩy mạnh chống tham nhũng, quan liêu, lợi ích nhóm, xa hoa, lãng phí chính là những nhiệm vụ chủ yếu trong công tác xây dựng Đảng, cũng là làm công tác dân vận, được thể hiện rõ trong 7 nhiệm vụ và giải pháp lớn mà Nghị quyết 25- NQ/TW đã đề ra.
Nhân kỷ niệm 86 năm ngày truyền thống dân vận, cùng suy ngẫm về bài báo Dân vận của Bác, chúng ta càng thấm thía, thấy rõ thiếu sót, khuyết điểm, làm tốt hơn phận sự của mỗi người. Hãy cùng nhau khắc ghi lời dạy ân cần của Bác: "Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công"./.
Nguyễn Trường Thiện