"Mưa

Trời mưa bong bóng phập phồng
Mẹ đi lấy chồng con ở với ai?
(Ca dao)
ấy là tôi nói ngày xưa
Mẹ tôi tái giá-đò đưa theo chồng
Không mưa cũng thể phập phồng
Lùa tôi ngõ trước, mẹ vòng lối sau.

ấy là tôi nói ca dao
Con chuồn chuồn ớt đậu vào đời tôi
Bà đừng ru nữa bà ơi
Vít thêm ngọn nắng mồng tơi giậu nhà

ấy là tôi nói áo hoa
Mẹ mua cho tết tỉnh xa gửi về
Dì tôi dỗ: áo của dì
Để cho tôi mặc, không thì tôi không...

Ghét lây bảy sắc cầu vồng
Giá như biết chặn lối vòng cơn mưa."

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Ly sinh ra tại làng Đông Hồ, Thuận Thành, sinh sống tại làng Tiền An, Thành phố Bắc Ninh. Cuộc đời ông là chuỗi dài gian nan, trắc trở, thiếu thốn về tình cảm và nghèo khổ về vật chất với mười bốn năm làm nghề đạp xích lô. Sinh ra và lớn lên giữa miền quê hương quan họ Kinh Bắc, nơi có nhiều làn điệu dân ca, ca dao, tục ngữ và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc nên nhà thơ đã mang hồn dân tộc phả vào mỗi một thi phẩm của mình, làm nên một tập thơ giản dị "Mưa thầm", trong đó bài "Mưa" là một tác phẩm đặc sắc, hết sức lay động lòng người, bài thơ đẫm nước mắt của tình đời trái ngang lẫn nỗi xót xa của thân phận người phụ nữ.

Lấy đề từ là hai câu ca dao quen thuộc "Trời mưa bong bóng phập phồng. Mẹ đi lấy chồng, con ở với ai", Nguyễn Ngọc Ly đã kể cho chúng ta nghe một hoàn cảnh trắc trở: Gia đình tan tác, mẹ đi lấy chồng! Tai họa ập lên đầu người con. Nhưng làm sao mẹ phải đi lấy chồng, phải nhẫn tâm đi lừa đứa con thơ dại để đi bước nữa. Đọc khổ thơ này có lẽ nhiều người không kìm nỗi nước mắt, vừa thương đứa trẻ thơ ngây, tội nghiệp, vừa xót xa cho số phận của người mẹ trẻ phải nhắm mắt đưa chân. Hoàn cảnh của người mẹ trong thơ Nguyễn Ngọc Ly làm ta liên tưởng đến hoàn cảnh của nhà thơ nữ Tương Phố (Đỗ Thị Đàm), nữ sỹ của trào lưu văn học giai đoạn 1913 - 1932. Chồng mất vì bệnh phổi, sau tang, nữ sĩ phải “Bước chân ra”, nàng gạt nước mắt đi bước nữa, nhưng đâu phải để tìm vui thú cho riêng mình:


"E dè buổi gió chiều mưa,
Con côi, mẹ góa, dễ nhờ nương đâu?
Bước đi, âu cũng thương nhau,
Dừng chân đứng lại cơ mầu dở dang"

(Giọt lệ thu)

Bà đi bước nữa là để giữ đạo hiếu (vì thương cha già, ông thường thở dài, nói: Nhà ta đến đứa bé này là ba đời nuôi cháu ngoại, mà đều trong cảnh nghèo khó), đồng thời cũng là để lấy chỗ nương tựa cho con: Vì chàng, tâm sự dở dang/Vì con, thôi mấy đoạn trường cũng cam. Phải chăng người mẹ trong "Mưa" của Nguyễn Ngọc Ly cũng lâm vào hoàn cảnh đó, có lẽ lòng bà cũng đau thắt, héo hon khi đành nhẫn tâm lừa đứa con mình dứt ruột đẻ ra một cách tội nghiệp. Để rồi trong lòng đứa trẻ là nỗi oán hận, dẫu không bật ra thành lời trách móc nhưng chỉ là "Lùa tôi ngõ trước, mẹ vòng lối sau" là ta đã hiểu nỗi u uất trong lòng đứa trẻ đáng thương. Nhà thơ thật tài hoa khi dùng từ "lùa" trong câu thơ này; chỉ động từ này thôi ta cảm nhận được nỗi đau giằng xé tim gan của người mẹ. Nghịch cảnh này làm tôi liên tưởng đến hoàn cảnh chị Dậu khi bán con và bán chó cho nhà Nghị Quế "Hai hàng nước mắt hòa với những giọt mồ hôi thánh thót rơi xuống gò má", dù người mẹ này không bán con mà là "lùa con", đứa con mà mình dứt ruột đẻ ra để đi lấy chồng.
Mẹ đi rồi, cháu ở lại với bà. Nỗi đắng cay, xót xa của đứa trẻ được Nguyễn Ngọc Ly minh họa bằng hình ảnh của dậu mồng tơi mùa hè vàng vọt bởi cái nắng gay gắt, càng làm cho lời ru của bà trở trên trĩu nặng hơn. Lời cháu giống như van xin mà khiến ta không khỏi day dứt:
"Bà đừng ru nữa bà ơi
Vít thêm ngọn nắng mồng tơi giậu nhà"
Lời ru của bà không đủ sức mạnh để xoa dịu nỗi đau trong lòng cháu mà càng làm cho hoàn cảnh của bà cháu trở thành nghịch cảnh, nên lời ru như “vít thêm ngọn nắng” xuống ngọn mồng tơi tiều tụy. Thê thôi, bà đừng ru nữa. Dù không xuất hiện ở khổ thơ này nhưng chúng ta vẫn có thể mường tượng ra hình ảnh người mẹ ở một nơi xa xôi nào đó đang lặng lẽ giấu đi những giọt nước mắt khổ đau.
Đời người phụ nữ thật trớ trêu, thương con, yêu con nhưng để cả mẹ và con cùng sống, cùng tồn tại thì đành xa con để rồi cái hạnh phúc thiêng liêng, cái thiên chức mà tạo hóa ban cho người mẹ là được chăm chút cho con từ miếng cơm, manh áo cũng trở nên xa cách vời vợi. Hình ảnh chiếc áo mẹ gửi về cho con như một vật khảo nghiệm tình mẹ con vậy. Dĩ nhiên, ta hiểu là đứa bé không đón nhận, vì nó giận, nó ghét người mẹ mà nó rất mực yêu thương, người thân nhất của nó trên cõi đời này đã nhẫn tâm lừa nó mà đi lấy một người đàn ông khác. Thật eo le thay!


ấy là tôi nói áo hoa
Mẹ mua cho tết tỉnh xa gửi về
Dì tôi dỗ: áo của dì
Để cho tôi mặc, không thì tôi không...

Người dì xuất hiện càng làm cho tiếng nấc nghẹo ngào trong lòng đứa trẻ bấy lâu bật lên thành tiếng: "Dì tôi dỗ: áo của dì/Để cho tôi mặc, không thì tôi không..." Mấy khổ thơ đã dùng điệp ngữ ấy là... ấy là..., đến hai câu này lại dùng điệp từ dì... dì, không... không. Nguyễn Ngọc Ly thật xuất sắc khi viết ra những câu thơ này! Ta càng xót xa cho hoàn cảnh của đứa trẻ bao nhiêu thì càng thương cho nghịch cảnh của người mẹ bấy nhiêu!
Hai câu kết: Ghét lây bảy sắc cầu vồng/Giá như biết chặn lối vòng cơn mưa" được nhà thơ viết theo lối quay vòng theo "lối vòng cơn mưa". Dường như trong tâm tưởng của người con cơn mưa thực tại đã trở thành cơn mưa của cuộc đời vậy. Và cái ước mơ của em cũng thật đến tội nghiệp! Giá như bảy sắc cầu vồng mà kịp chặn lối vòng cơn mưa thì có lẽ mẹ đã không đi lấy chồng và em cũng không phải chịu cảnh bơ vơ. Nỗi ấm ức, uất giận được trút lên "bảy sắc cầu vồng". Cả bài thơ chỉ có một chữ "ghét" mà lại là "ghét lây", cũng không dám nói cụ thể là ghét mẹ. Có lẽ, khi đặt bút viết lên những dòng thơ này, tuổi nhà thơ đã chín chắn nên đã có sự cảm thông đối với hoàn cảnh của người mẹ. Đời người, nhất là phụ nữ "Xuân bất tái lai", ca dao còn có câu: "Gió đưa cây trúc ngã quỳ/ Ba năm chực tiết còn gì là xuân". Chực tiết là giữ tiết hạnh, ba năm để tang chồng. Người mẹ trong bài thơ "Mưa" đã nuôi con năm, bảy tuổi. Đi bước nữa không phải là tội lỗi. Nhớ con, ngày Tết, từ tỉnh xa gửi về cho con manh áo, thế thôi.
Đi bước nữa lại bước vào một cuộc đời mới, chăm chồng, sinh con, lại tay bồng tay bế nuôi con, cuộc sống ấm no thì đỡ khổ bằng không thì "bán mặt cho đất bán lưng cho trời", gặp người chồng tốt thì còn có niềm an ủi, bớt đi nỗi đau buồn khi xa đứa con thơ. "Đau đớn thay phận đàn bà/Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung", Nguyễn Du viết vậy. Chúng ta hiểu vậy và chắc Nguyễn Ngọc Ly cũng cảm nhận được như vậy nên lời thơ hàm chứa trách móc, oán hờn nhưng đằng sau đó là cả sự cảm thông lẫn tình yêu thương mẹ chan chứa…/.


HỒNG HẠNH


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
 Liên kết website
Thống kê: 5.558.057
Online: 71
ipv6 ready