Ngày còn bé lũ trẻ chăn trâu tụi tôi vẫn thường chơi đủ trò quanh ngọn đồi ấy, thú vị nhất vẫn là trò công chúa ngủ trong rừng. Cũng thật lạ, không biết ai đã dày công trồng lên ngọn đồi phi lao này những khóm hoa hồng tuyệt đẹp, cứ mùa xuân đến hoa nở rực rỡ, hương bay dịu dàng trong gió. Loại hoa này nhỏ xinh và nhiều gai không giống như những bông hoa bày bán ở chợ.
Những chiều thả trâu và những trò chơi cứ gieo niềm háo hức trong lòng lũ trẻ hồn nhiên cho đến một ngày vô tình thằng Hào - một đứa trong bọn phát hiện ra một ngôi mộ phía cuối đồi phi lao, ngôi mộ được xây cất cẩn thận, ẩn mình dưới những khóm hoa… Thế là từ đó, tụi tôi ít leo lên đồi hoa hồng hơn. Như lời Hào kể thì nghe đâu ngọn đồi ấy có ma. Có một hôm, khoảng chập choạng tối ông nội nó đi tắm, bất giác ngước nhìn lên đồi thì thấy một thiếu nữ rất đẹp, mặc váy trắng lung linh dưới ánh trăng, trên đầu nàng cài những đoá hồng gai trắng nõn, một đoá hồng còn được nàng nâng niu trên tay, nàng đang nhìn xuống dòng sông La. Hoảng quá, ông ba chân bốn cẳng chạy về, quên cả quần áo và dép… Từ đó, không ai lên đó nữa, có vẻ như những ngọn cỏ may, những khóm hồng mọc dày và um tùm hơn.
Câu chuyện về ngọn đồi hoa hồng và người con gái đó cứ ám ảnh tôi mãi, trong cả những giấc mơ. Ngày tôi đi học đại học, bà nội tôi tiễn tôi ra tận đầu cầu, cây cầu La Xá yêu thương nũng nịu uốn mình vắt ngang dòng sông thơ kỷ niệm. Đứng trên cầu tôi khẽ nhìn về phía ngọn đồi, có lẽ bà biết trong lòng tôi sự tò mò và câu chuyện thiếu nữ hoa hồng dưới trăng không còn là một niềm cổ tích tuổi xưa nữa. Bà cười hiền từ, xoa đầu tôi rồi bảo:
- Cháu cố gắng học cho tốt như niềm tin của người con gái ấy, hè về bà sẽ kể cháu nghe về ngọn đồi hoa hồng, đó không phải là ma quỷ gì đâu mà đó là một câu chuyện tình của người lính năm xưa…
Nói đến đây giọng bà như chùng xuống, tôi hiểu tính bà nên không dám hỏi thêm gì nữa.
Mùa hè đến thật nhanh mang theo cả niềm háo hức lẫn sự vui mừng của tôi, tóc bà bạc thêm một chút nhưng nụ cười và ánh mắt của bà thì vẫn đẹp và ấm áp như ngày nào. Ăn trưa xong, bà bảo tôi nghỉ ngơi cho khoẻ rồi chiều đi thắp hương theo bà. Tôi định hỏi thắp hương cho ai nhưng mệt quá nên thiếp đi lúc nào chẳng biết. Con đường từ Hà Nội về Hà Tĩnh bằng ô tô quả đã làm tôi mệt nhoài hơn những trò đánh trận giả ngày xưa… Trong cơn mê, nàng công chúa trên ngọn đồi hoa hồng bất giác lại hiện về…
Chiều đến, bà ăn mặc không như ngày thường mà tươm tất và trang trọng lắm.
- A răng rồi cô sinh viên của bà? Đợ nhọc (đỡ mệt) chưa, giờ ta đi nha!
Tôi không khỏi ngạc nhiên, nhưng hình như vẫn đoán được phần nào dự định của bà, có lẽ bà sẽ kể cho tôi nghe về câu chuyện đó…
Tôi theo bà lên ngọn đồi hoa hồng, những hàng cỏ may như nép mình nhường lối cho chúng tôi. Có lẽ phải có bàn tay chăm sóc của ai đó mà ngọn đồi nhìn từ xa có vẻ âm u, song khi chứng kiến tận mắt mới thấy được vẻ đẹp của nó. Hoa hồng tuy nở thưa hơn nhưng bù lại những bông cỏ may như cố đua sắc để níu giữ chân người. Mặc dù đi với bà nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn cố ngoái lại đằng sau như thể rình xem có ai đó đi theo sau không. Sống lưng thì lạnh và tim thì đập thình thịch như trống đánh vào lớp học. Lớn rồi mà vẫn nhát như thỏ đế, tôi níu vạt áo bà chặt quá làm bà phải lên tiếng:
- Cháu mần chi rứa? Có ma đâu mà sợ hè?
Bà nói thế thôi chứ tôi thì vẫn sờ sợ, cứ ngoái trước nhìn sau xem có ai đi theo không. Đến mộ bà bày hoa quả, hương vàng rồi thắp hương cho bạn, bà trao cho tôi ba que nhang và bảo tôi vái. Tôi như vững tim hơn vì có bà đằng sau, lần đầu tiên tôi nhìn kỹ ngôi mộ, trên hàng bia trắng là dòng chữ ngay ngắn: Mả (mộ) chị Thuỳ, mất: 01. 7. 1951… Bà bắt đầu kể...
Ngày đó, sau khi chiến dịch Việt Bắc kết thúc, những năm tiếp theo có một đơn vị bộ đội về làng ta, chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Đại đội trưởng của đơn vị còn rất trẻ, người Nghệ An, tên Con. Đơn vị về được một thời gian thì giặc Pháp mở những đợt ném bom dữ dội nhằm phá hoại kế hoạch kháng chiến của ta. Trong một trận đánh đẫm máu, đại đội của anh Con hy sinh gần hết. Sau khi giặc rút đi, cả làng đi tìm và chôn cất cho các anh nhưng riêng anh Con thì tìm mãi không thấy thi thể. Có người đã nhìn thấy lúc chiến đấu, anh trúng đạn và rơi xuống lòng sông, có lẽ nước đã cuốn anh đi. Một thời gian sau đó, xuất hiện một người con gái về làng tìm người thân. Đó là một người con gái Nam bộ rất đẹp với mái tóc dài và dày, đôi mắt tròn, đen nhánh, điểm đặc biệt ở chị là nụ cười duyên để lộ chiếc răng khểnh tinh nghịch. Người con gái ấy là chị Thuỳ, khi đi liên lạc, chị gặp và yêu chú Con trên trận tuyến đánh quân thù. Biết tin anh Con hy sinh, chị như chết lặng đi, vì không tin anh mất nên chị lặn lội đi tìm. Hằng ngày, chị Thùy ngồi bên bến sông, đợi chờ anh Con trở về với một niềm tin son sắt. Sau đó, chị xin ở lại địa phương, vừa tham gia chiến đấu vừa sản xuất và với một hy vọng anh Con vẫn còn sống. Chị Thuỳ trở thành o du kích cùng đội du kích xã với bà.
Một ngày giữa năm 1951, thực dân Pháp càn quét Hà Tĩnh, không may chị Thùy bị trúng bom và bị cát vùi lấp ngay tại gò đất trồng phi lao này. Mọi người tìm kiếm hai ngày ròng rã mới tìm thấy chị. Sau khi chôn cất chị chu đáo, bà nhìn thấy một cuốn sổ tay nhỏ văng ra bên vệ cỏ. Đó là một cuốn nhật ký mới viết được hơn một nữa, trong đó là những lời yêu thương, tâm tình của người con gái dũng cảm dành cho anh Con và cho cả miền quê yêu dấu Bến Tre đang bị kẻ thù tàn phá. Giữa cuốn sổ là một bông hồng khô ép cẩn thận, món quà đầu tiên mà anh Con tặng chị - loài hoa hương thơm dịu dàng, nhiều gai mang vẻ đẹp của người con gái Việt Nam luôn cứng cỏi trước kẻ thù.
Ngọn đồi phi lao nơi chị ra đi trở thành ngọn đồi hoa hồng mà bà tôi và những người đồng đội đã chăm lo, vui trồng sau ngày hoà bình lập lại. Bà chỉ buồn là vì hoàn cảnh chiến tranh mà không biết nhiều về chị, chỉ biết rằng chị là người con gái Nam bộ dũng cảm, đẹp người đẹp nết, yêu người xứ Nghệ quê mình và cả những bông hồng gai mang tên Thuỳ. Phải chăng vì thế mà trên mộ của người con gái ấy không có họ mà người làng tôi gọi một cách mộc mạc đầy kính trọng là: Mả chị Thuỳ.
Tháng bảy lại về trong niềm biết ơn vô bờ đối với những người đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc, trên ngọn đồi hoa hồng đang khoe sắc, cái cảm giác lành lạnh sống lưng của lũ trẻ làng tôi giờ không còn nữa mà điều ủ ấm trong tim chúng tôi là niềm tự hào và cảm phục trước hình ảnh người con gái Nam bộ kiên cường. Chiều nay, tôi lên ngọn đồi hoa hồng của nàng công chúa đang ngủ. Ngồi trên đồi, nhìn xuống dòng La hiền hoà, dịu dàng như người con gái mười tám, đôi mươi, tự tận sâu trong tâm khảm, tôi biết ngọn đồi thân thương và đầy tôn kính này vẫn ấp ủ một niềm tin, một sự chờ đợi ngày chiến thắng, ngày độc lập - tự do, ngày đó anh nhất định sẽ về…Có phải thế không, chị Thuỳ ơi?
BÌNH NGUYÊN