Ngày 19 tháng 7 năm 1968, trước lúc hy sinh 5 ngày, chị Võ Thị Tần - Tiểu đội trưởng Tiều đội 4-C552, Ngã ba Đồng Lộcđã viết thư gửi về cho mẹ. Bức thư giản dị như lời tâm tình mộc mạc của người con gái miền trung nhưng chứa chan niềm thương nhớ mẹ và cũng tràn đầy tình yêu quê hương, đất nước, lòng căm thù giặc, quyết tâm sắt đá đánh thắng kẻ thù, với tinh thần lạc quan cách mạng phơi phới.

Tượng đài Ngã ba Đồng Lộc (ảnh:KhuditichNgabadongloc)

" Đồng Lộc ngày 19/7/1968

Mẹ thân yêu của con!

Ngày mai chị Thuý về nhận thực phẩm sẽ ghé về nhà ta. Con viết mấy dòng chữ gửi về thăm Mẹ. Mẹ ơi! chiều nay chúng con lại thắng thằng Mỹ một keo nữa. Con kể Mẹ mừng nhé! Trưa nay hàng chục máy bay giặc kéo đến trút bom lên Ngã ba Đồng Lộc, với yêu cầu nhanh chóng thông đường, mặc dù trời còn sớm nhưng tất cả chúng con đều xông lên mặt đường để cứu chữa. Trong thời gian chúng con làm, máy bay giặc có đến trinh sát, chúng tưởng đâu đường đã bị nát vì mưa bom của chúng. Trời xẩm tối những chiếc xe mang nặng tình hậu phương lại lăn bánh lên đường ra tiền tuyến chúng con vui sướng vẫy chào những chiến sĩ lái xe anh dũng. Mẹ của con, thấy giặc đánh nhiều hơn dạo trước, Mẹ chắc là lo cho chúng con lắm. Nhưng không Mẹ đừng lo, ở đây vui lắm Mẹ ạ! Ban đêm chúng thắp đèn để chúng con làm đường, ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển được những trái tim của chúng con.

Mẹ ạ! thằng Mỹ còn hung hăng thì còn nhiều chuyện kể cho Mẹ nghe về sự thất bại của chúng trên mảnh đất nhỏ kiên cường này. Mẹ ơi! thời gian này địch đánh phá ác liệt nhưng bọn con vẫn tập được nhiều bài hát mới. Quyển sổ tay Mẹ gửi dạo nọ đã gần hết rồi, Mẹ gửi thêm cho con ít giấy. Mẹ! Mới về thăm Mẹ đó mà sao con thấy nhớ Mẹ quá! Con mong Mẹ gữi gìn sức khoẻ và đừng lo cho con nhiều.

Thìn em! Tình hình học tập của em ra sao? Có tốt không? Chắc em phải tranh thủ thay chị giúp Mẹ đừng để Mẹ làm nhiều mà tội. Các chị em trong đơn vị gửi lời hỏi thăm sức khoẻ Mẹ đó, Mẹ cho con gửi lời hỏi thăm sức khoẻ cậu, mự cùng các cháu và bà con xung quanh.

Thôi Mẹ nhé!

Con của Mẹ

Chị của em

Tần"

Đọc lá thư của chị mà tôi cứ ngỡ đang được nghe tiếng lòng của chị. Đã 48 năm trôi qua kể từ ngày chị đặt bút viết những dòng tâm sự này, nhưng dường như thời gian không thể xoá nhoà những nét chữ được viết ra bằng tiếng lòng của người con gái giản dị, mộc mạc, mang nét duyên miền trung "cát trắng, gió lào" song cũng rất kiên cường, lạc quan. Và phải chăng, đằng sau những dòng tâm sự chân chất ấy là cả một quyết tâm sắt đá mà bom đạn của giặc Mỹ không thể làm rung chuyển? Chị viết bằng cả tình yêu với Mẹ, với em Thìn, với quê hương và trên hết là với trái tim yêu nước nồng nàn.

Lá thư chị Tần gửi mẹ được lưu giữ tại Khu lưu niệm Ngã ba Đồng Lộc

Như kết cấu quen thuộc của bất kỳ một lá thư nào, lá thư của chị cũng mở đầu bằng tiếng gọi thân thương: "Mẹ thân yêu của con!". Bình thường đấy, nhưng đó là tiếng gọi trìu mến từ trái tim của người con rất đỗi yêu thương mẹ, năm chữ ấy tuy ngắn ngủi nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh nó chở nặng niềm thương, nỗi nhớ. Nhà cách đơn vị chị đóng quân chỉ hơn chục cây số, nhưng tiếng gọi mẹ phải ấp ủ trên trang giấy nhỏ, nhờ người đồng chí "về nhận thực phẩm" chuyển hộ. Càng đọc kỹ lá thư, chúng ta càng cảm nhận được tiếng lòng trào dâng theo từng nét chữ của chị. Đó không phải là những tâm sự riêng tư, là những lời thăm hỏi thông thường mà đó là tiếng gọi của lòng yêu nước, tôi có cảm giác chị viết như để "khoe" với mẹ về những chiến công, chị viết mà như thể đang vui sướng, háo hức kể trực tiếp cho mẹ nghe vậy: "Mẹ ơi! chiều nay chúng con lại thắng thằng Mỹ một keo nữa. Con kể Mẹ mừng nhé! Trưa nay hàng chục máy bay giặc kéo đến trút bom lên Ngã ba Đồng Lộc, với yêu cầu nhanh chóng thông đường, mặc dù trời còn sớm nhưng tất cả chúng con đều xông lên mặt đường để cứu chữa. Trong thời gian chúng con làm, máy bay giặc có đến trinh sát, chúng tưởng đâu đường đã bị nát vì mưa bom của chúng. Trời xẩm tối những chiếc xe mang nặng tình hậu phương lại lăn bánh lên đường ra tiền tuyến chúng con vui sướng vẫy chào những chiến sĩ lái xe anh dũng."

Chắc hẳn khi đọc những dòng chữ này, không có người mẹ nào là không tự hào về đứa con thân yêu đang hàng ngày, hàng giờ, từng phút, từng giây cùng đồng đội chiến đấu vì ngày mai độc lập, tự do. Làm sao có thể lo lắng và bi quan về chiến trường ác liệt khi mở lá thư ra là niềm vui chiến thắng giặc Mỹ, dẫu chỉ là thắng "một keo nữa"? Ẩn sau những lời tâm sự của người con gái miền trung dẫu chân chất, mộc mạc, không văn vẻ ấy, ta vẫn cảm nhận được nét nữ tính trong từng câu chữ, trong cả tấm lòng... Tôi chợt nhớ những vần thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật, và phải chăng nét duyên ấy chính là đây:

"Cái giọng em nghe cho bạn cười giòn,

Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để

Ta bật cười như trôi trong tiếng ru..."

Nhưng xúc động hơn cả là khi ta hiểu đuợc rằng trong trái tim của chị Tần cũng như bao người con khác chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, đó chính là tình yêu đất nước chiếm vị trí lớn nhất trong trái tim họ. Viết thư về cho mẹ nhưng điều đầu tiên chị nghĩ đến là kể cho mẹ nghe về tình hình chiến đấu của quân ta với giặc Mỹ trong niềm lạc quan, tin tưởng vào ngày mai chiến thắng, chứ không phải là những chuyện riêng tư. Cái tôi cá nhân hoà vào cái ta của cả dân tộc, cả mẹ chị, cả chị, cả em Thìn nữa và biết bao người mẹ, người chiến sỹ khác trên đất nước Việt Nam gian lao mà anh dũng này đều hướng trái tim mình vào ngày mai của dân tộc: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.

Chị Võ Thị Tần -Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4- C552 Ngã ba Đồng Lộc

Nhưng có người mẹ nào mà không dõi theo con từ hơi thở đầu tiên, khi con còn là một sinh linh bé bỏng... Chị Tần biết mẹ lo, nhưng những dòng tâm sự trong thư không hề có bóng dáng của sự tang tóc, đau thương, không có dấu vết của chiến trường ác liệt mà sự sống bị đe doạ từng giây, từng phút. Tràn ngập mảnh giấy yêu thương ấy là tiếng cười trong trẻo, hồn nhiên và có phần tinh nghịch của tuổi trẻ: "Mẹ của con, thấy giặc đánh nhiều hơn dạo trước, Mẹ chắc là lo cho chúng con lắm. Nhưng không Mẹ đừng lo, ở đây vui lắm Mẹ ạ! Ban đêm chúng thắp đèn để chúng con làm đường, ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển được những trái tim của chúng con."

Chúng ta từng bồi hồi xúc động khi đọc nhật ký của liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm, Nguyễn Văn Thạc… Còn đây là những dòng tâm sự của anh hùng liệt sĩ Võ Thị Tần viết gửi cho Mẹ với đầy tình cảm thương nhớ. Đọc kỹ đoạn thư của chị Tần chúng ta mới thấy hết được tinh thần chiến đấu của những cô thanh niên xung phong tuổi vừa mười tám, đôi mươi ở Ngã ba huyền thoại. Đi chiến đấu phải đối mặt với sự sống và cái chết hàng ngày, hàng giờ mà các chị vẫn sống hồn nhiên, vô tư đến kỳ lạ. Cứ vào đêm pháo sáng giặc rọi xuống để thả bom mà các chị lại coi đó là những chiếc đèn lớn trong đêm giúp các chị làm đường. Ban ngày máy bay ném bom xuống sông lại giết cá cho chị em cải thiện. Có ở quốc gia nào trên thế giới này có những người phụ nữ nhỏ bé vừa cầm bút, cầm súng chiến đấu kẻ thù một cách quyết liệt như ở Việt Nam hay không? Có bộ phim nào trên thế giới quay cảnh người con gái bơi ra giữa sông nhặt từng con cá sau khi bom vừa dứt không? Và có cô gái nào dám nói: Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển được những trái tim của chúng con… Vâng! Và có nhiều chăng những người chiến sỹ giữa chiến trường ác liệt, viết thư về tâm sự với mẹ yêu như thế này không? "Mẹ ạ! thằng Mỹ còn hung hăng thì còn nhiều chuyện kể cho Mẹ nghe về sự thất bại của chúng trên mảnh đất nhỏ kiên cường này."

Thế đó, giấc mơ hoà bình, độc lập luôn rực cháy trong tim hơn ba mươi triệu đồng bào Việt Nam. Vì nền Hoà bình, Độc lập ấy, mà chúng ta thề hy sinh tất cả với niềm tin tưởng lớn lao. Dẫu biết giặc Mỹ càng hung hăng thì sẽ còn nhiều những mất mát, đau thương nhưng cách nhìn của chị Tần thì còn nhiều chuyện để kể bởi trong tim chị "sự thất bại của chúng trên mảnh đất nhỏ kiên cường này'' là tất yếu.

Phần cuối thư, là những tình cảm gia đình tha thiết nhớ mong, dù chỉ là những lời dân dã, bình dị nhưng khi đọc những dòng tâm sự này chúng ta không dấu nỗi dòng cảm xúc dâng trào. Chị Tần yêu nước nhưng tình yêu đó gắn chặt với tình cảm gia đình. Không văn chương, sáo rỗng, chỉ là nhờ mẹ gửi cho tập giấy, là dặn dò em nhớ chăm sóc mẹ và cố gắng học hành, là lời hỏi thăm cậu mự và bà con lối xóm mà sao ta đọc lên khoé mắt cứ cay cay? Điều xúc động ân tình sâu nặng chị vẫn cánh cánh bên lòng và không quên nhờ nét mực Cửu Long gửi cho mẹ, rằng: "Mẹ! Mới về thăm Mẹ đó mà sao con thấy nhớ Mẹ quá! Con mong Mẹ giữ gìn sức khoẻ và đừng lo cho con nhiều."

Dù chị Tần không nói ra với mẹ về những khó khăn, gian khổ, về ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết nhưng đọc hết lá thư, có lẽ Mẹ chị vẫn hiểu được điều đó. Và như tiếng lòng của nữ liệt sỹ - bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm thì "Mẹ yêu ơi, nếu như con của mẹ có phải ngã xuống vì ngày mai thắng lợi thì mẹ hãy khóc ít thôi mà hãy tự hào vì các con đã sống xứng đáng. Đời người ai cũng chết một lần." Bức thư của chị Tần giống như một bức tranh thép mang ý chí chiến đấu mà không một sức mạnh nào có thể lay chuyển: "Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển được những trái tim của chúng con".

Ở nơi ấy, "Ngã ba Đồng Lộc. Mẹ đặt lưỡi cày chênh chếch hố bom. Đèn dầu hoả xuống hầm vào lớp học, nghe tin những trận càn, lòng đất cháy bừng lên... Thầy nhập ngũ. Rồi chúng tôi nhập ngũ. Nét đỏ cuối trời, nét tím quê hương. Không thể kể những cánh rừng sốt rét, vệt B52 rê giữa đội hình. Có phải chỉ Trường Sơn cả nước thành thân thuộc, mũ tai bèo hơn một tấm chứng minh? Soi ánh mắt gặp mặt đường khát vọng, võng mắc vào nỗi nhớ giao liên...''(Bài hát dành cho người lính - Nguyễn Sỹ Đại). Giờ đây, màu xanh đã hồi sinh trên quê hương Đồng Lộc, nhưng vẫn còn đó bao người Mẹ Việt Nam anh hùng khóc thầm vì những đứa con biền biệt không về... Chị Tần đã không trở về trong vòng tay yêu thương của mẹ, nhưng có lẽ dưới những hàng cây hiên ngang giữa trời và tiếng thì thầm của đất mẹ Đồng Lộc anh dũng mà kiên cường, chị và đồng đội vẫn sống mãi tuổi xuân xanh.

Trời Đồng Lộc tháng Bảy xanh trong, những hàng thông ngày đêm cất tiếng à ơi, ru trong lòng những người con gái đã khuất như lòng mẹ vỗ về chở che những đứa con bé bỏng của mình. Tháng Bảy về với Đồng Lộc, cho tôi được kính cẩn dâng một nén tâm nhang, xin dành một phút mặc niệm nghiêng mình vì những người đã ngã xuống ngày hôm qua, được tưởng nhớ về chị và dòng thư bất tử của chị,... để luôn hiểu sâu sắc rằng: "Cái quý nhất của con người là cuộc sống, đời người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài sống phí, để khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể nói rằng: "cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời: Sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người."(Nikolai Alexeevich Ostrovsky)./.

TRƯỜNG THIỆN – BÌNH NGUYÊN


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
 Liên kết website
Thống kê: 4.672.918
Online: 8
ipv6 ready