Một góc thị xã Hồng Lĩnh nhìn từ chùa Long Đàm
Từ thành phố Hà Tĩnh, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh Hà Tĩnh, du khách sử dụng phương tiện giao thông đường bộ đi về hướng bắc theo quốc lộ 1A khoảng 30 km là đến thị xã Hồng Lĩnh. Từ Quốc lộ 1A ngược sườn núi chừng hơn 1 km ở độ cao 170 m so với mực nước biển là đến chùa Long Đàm.
Chùa Long Đàm trước đây do nhân dân làng Ngọc Sơn tạo lập và cung phụng từ đầu thời Lê, lúc làng thịnh khoa bảng có nhiều người làm quan làm rạng danh và có nhiều đóng góp cho quê hương đất nước mà tiêu biểu là cha con Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy. Trạng cha Sử Hy Nhan đỗ trạng nguyên khoa Quý Mão, triều Trần Duệ Tông(1363), làm quan đến hành khiển tri kinh điền. Ông học rộng, không sách nào là không đọc, giỏi sử nên được mang họ Sử. Trạng con Sử Đức Huy, đỗ trạng nguyên khoa Tân Dậu đời Trần Phế Đế(1381). Ông là người tài đức song toàn. Khi cha qua đời, ông theo Lê Lợi đánh giặc Minh và được Lê Lợi trọng dụng chọn làm Quốc tử bác sĩ thăng tiến đến chức Thượng thư bộ Hộ. Hai lần ông được đi sứ phương Bắc. Các văn thần nhà Minh đều khen Sử Đức Huy, kính trọng và tôn ông là bậc lưỡng quốc"Thánh tâm thần khẩu". Hai cha con trạng Sử là những người khai khoa ở đất Bình Lãng, Ngọc Sơn và những địa danh lân cận, mở ra một thời kỳ phát triển văn hóa rực rỡ cho vùng này.
Cái tên Long Đàm có từ thời xa xưa. Tương truyền có một con rồng bơi lặn trong đầm. Một hôm trời mưa to, rồng cuộn mây bay lên, để sót lại nhiều ngọc Minh Châu dưới đầm. Đêm thanh thường trông thấy ánh sáng vằng vặc. Vì thế người ta dựng chùa lên gọi là Long Đàm. Lễ hội chùa Long Đàm diễn ra vào dịp tết Nguyên Tiêu (rằm tháng giêng âm lịch). Ngoài những ngày Sóc, Vọng và ngày lễ Phật truyền thống thì lễ hội chùa vào dịp nguyên tiêu là lễ hội lớn diễn ra cao điểm vào hai ngày 14 và 15 tháng giêng. Lễ hội gồm những nội dung chính: Nhà chùa cầu kinh niệm Phật, kéo phướn, chuông mõ rộn ràng và các hộ đến cầu siêu cúng tế ở các khảm thờ Bà Cô.
Nhân dân đội lễ vật lên chùa cúng Phật, cúng ở am Bà Chúa, mộ Hòa Thượng, nhà Tổ và các nơi khác. Các cuộc vui diễn ra suốt hai ngày đêm, chủ yếu xoay quanh các hoạt động, như: Đọc thơ và câu đối tết; Kể chuyện cổ tích nhà Phật; Mời nhau ăn cỗ đêm: xôi, oản nhà chùa; kẹo, bánh, trái cây do các bà các chị đem lên bán.
Năm 2001, chùa được xây dựng lại khá khang trang trên nền thượng điện chùa cũ nhờ sự đóng góp của các tín đồ và những người hảo tâm ở nhiều địa phương. Toàn bộ khuôn viên chùa là một khu đất rộng 30 nghìn mét vuông. Chùa có kiến trúc theo lối chữ nhất, ngoảnh mặt về hướng nam. Đây là hướng tốt, hạ mát mẻ, mùa đông ấm áp; Dựa vào sườn núi Thiên Tượng có độ cao khoảng 170 m so với mực nước biển. Xét về phong thủy, đây là hướng lý tưởng mong được "dương khánh", "âm siêu". Phía bên trái, có 2 con suối gọi là khe Gác Chuông chảy từ trên núi Thiên Tượng hợp lưu tại đây như 2 con rồng chụm đầu vào nhau uốn lượn tạo thành hồ gọi là "tả thanh long". Phía bên phải vách núi bao bọc được xem là "hữu bạch hổ". Phía trước - phía nam mở ra một không gian rộng lớn, thoáng đãng.
Đường vào chính điện
Theo các cụ cao niên ở phường Đức Thuận kể lại, hồ Long Đàm xưa rộng, có diện tích khoảng 2000m2trải ra gần hết mặt phía đông của chùa, nước lúc nào cũng trong mát quanh năm. Xung quanh có nhiều cây cổ thụ tạo cho môi trường sinh thái xung quanh chùa luôn mát mẻ, dễ chịu. Hồ Long Đàm bây giờ nhỏ hơn ngày xưa nhiều do phù sa bồi lấp dần. Nhìn chung, hồ hình tam giác có độ dài các cạnh: 15m, 20m, 20m, diện tích khoảng 150m2.
Xung quanh chùa được phủ xanh nhiều cây cối như bồ đề, các loại cây lấy gỗ và cây ăn quả. Nằm xen kẻ vào là những khu đất trồng những cây thuốc quý và cây hoa. Tất cả tạo nên một khung cảnh u tịch, thâm nghiêm ở chốn cửa Phật. Nhìn từ ngoài vào, nhà chùa như búp sen khổng lồ cao 6,50 m với 3 tầng mái nhỏ dần về phía chóp. Mái được làm bằng bê tông cốt thép, trên có gắn ngói vảy bằng đất nung màu đỏ tươi. Mỗi tầng mái tượng trưng cho mỗi tầng cánh sen úp lại vào nhau. Các mái được 4 cột trụ đường kính 0,30m chống đỡ, vươn cao lên tận mái trên cùng, nối lại với nhau bởi các xà tạo thành bộ khung chịu lực vững chải chống đỡ.
Mặt trước dày 0,30m được quét ve vàng nhạt có trổ cửa chính ở giữa và 2 cửa phụ 2 bên, xung quanh được đắp viền khá cầu kỳ. Ở giữa có 2 đôi câu đối bằng chữ Hán như sau:
- Câu đối thứ nhất:
Phiên âm: Sức sức trùng sơn lưu tú khí
Nguy nguy thắng địa trấn thiền môn
Tạm dịch: Chùa tọa lạc ở núi cao trùng điệp
Nơi lưu khí thiêng và phong cảnh tuyệt đẹp
- Đôi câu đối thứ hai:
Phiên âm: Long Đàm lưu ngọc anh linh tự
Hồng Lĩnh chiêu hiền danh thắng sơn
Tạm dịch:Long Đàm ngôi chùa thiêng cất dấu ngọc Minh Châu
Hồng Lĩnh dãy núi đẹp quy tụ nhiều hiền tài
Thành tâm
Không chỉ hấp dẫn bởi truyền thuyết và phong cảnh hữu tình, Chùa Long Đàm còn là ngôi chùa lưu giữ những giá trị lịch sử quan trọng. Dọc dặm dài thiên lý của đất nước, bao thế hệ các danh nhân lịch sử đã vãn cảnh, ghé thăm chùa Long Đàm. Suốt khoảng 6 thế kỷ tồn tại từ khi phật giáo là quốc giáo đến khi Nho giáo lên ngôi, qua sự hưng vong của mỗi triều đại và từng bước thăng trầm của lịch sử dân tộc, chùa Long Đàm vẫn tồn tại trong tâm thức của người đời. Những hành vi, sự kiện gắn với nhân vật lịch sử trong mọi thời đại luôn là nguồn tư liệu quý giá để nghiên cứu lịch sử ngôi chùa, qua đó hiểu thêm bước đi của lịch sử Hoan Châu xưa và Nghệ Tĩnh sau này nói riêng và cả dân tộc nói chung. Điểm đáng nói hiện nay, những hiện vật còn ít ỏi như gạch xây, hoa văn đất nung, mảnh sành được trang trí đầu rồng, cánh sen…được coi có niên đại thời Trần và thời Lê. Sự hiện diện của chùa Long Đàm cùng với những ngôi chùa nổi tiếng khác gần cùng niên đại như Hương Tích, Thiên Tượng…đã chứng minh Phật giáo được truyền bá và có ảnh hưởng sâu rộng trên đất Hà Tĩnh từ khá sớm và được nhiều tầng lớp nhân dân tự nguyện tiếp nhận bởi giáo lý nhà Phật phù hợp với tín ngưỡng dân gian bản địa. Như vậy, chùa Long Đàm cũng góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử phật giáo Hà Tĩnh và Việt Nam. Rõ ràng với sự tồn tại lâu đời, chùa Long Đàm và các địa danh phụ cận có lịch sử đáng ghi nhận gắn liền với lịch sử dân tộc được ghi dấu trong nhận thức nhiều thế hệ, thành nguồn cảm hứng cho trước tác của các danh nhân. Những giá trị vật thể và phi vật thể của chùa Long Đàm đang là nguồn tư liệu quý để tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ ánh sáng văn hóa tiền nhân để lại.
Chuông lớn tại thượng điện
Với kết cấu kiến trúc đặc biệt, bài trí trong phối cảnh sinh động tự nhiên, phong cảnh chùa Long Đàm trên núi Thiên Tượng thuộc dãy Hồng Lĩnh soi bóng xuống sông Lam luôn là địa danh hấp dẫn với dáng vẻ huyền ảo, là chốn thâm nghiêm, u nhã đối với du khách tham quan. Với vị trí thuận lợi giao thông trên con đường thiên lý xưa, chùa Long Đàm từng ghi dấu ấn bao khách hành hương về thăm núi Hồng - sông Lam, về với nền văn hóa Hồng Sơn, nằm trong quần thể tự nhiên non nước hữu tình, trong hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh gắn liền với tên tuổi các danh nhân, một vùng địa linh nhân kiệt, con người thả tâm hồn của mình với cảnh trí tự nhiên thì phải du sơn ngoạn thủy nên không thể không đến Long Đàm. Từ mấy trăm năm nay, sự hiện hữu của chùa Long Đàm in đậm dấu ấn trong tâm hồn phật tử du khách và nhân dân địa phương.
Ngày nay, khi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà Nước thông qua Mặt trận tổ quốc lấy sự tôn trọng tự do tín ngưỡng, phát huy giá trị tích cực của văn hóa tâm linh bằng những việc làm thiết thực. Từ nhiều năm nay, các cấp chính quyền ở phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh đã cho tái tạo, tu bổ khuôn viên, chỉnh trang hệ thống tượng, đón sư trụ trì, đảm bảo tôn nghiêm cho phật tử hành lễ, khuyến khích du khách thăm viếng đã làm cho những giá trị văn hóa tinh thần của ngôi chùa được phát huy mạnh mẽ.
Danh thắng, bề dày văn hiến Hồng Lam nói chung và Thiên Tượng, Long Đàm nói riêng còn là thế mạnh cộng hưởng làm cho du lịch văn hóa sinh thái vùng này trở nên hấp dẫn khi "con đường di sản văn hóa miền Trung" được nối với địa bàn Hà Tĩnh./.
Mai Thị Như Tâm – Trung tâm VHTT&DL (ảnh: BN)