Năm 1968 - Mậu Thân in dấu vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ bằng cuộc tổng tấn công vào các đô thị lớn ở miền Nam, cuộc tập dượt cho đại thắng mùa xuân 1975; buộc Mỹ phải ngừng ném bom phá hoại miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam ở Hội nghị Paris. Đây cũng là năm của những chiến công vang dội và những hy sinh, tổn thất lớn, thử thách ý chí, sức mạnh, bản lĩnh và quyết tâm của toàn dân tộc cho mục tiêu cuối cùng là độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc!

mau than 1968 voi 5 bai tho cua bac ho

Bác Hồ nói chuyện với các cháu thiếu nhi trong dịp Người về thăm và chúc tết đồng bào tỉnh Hà Bắc ngày 9/2/1967.

Năm 1968, Bác Hồ đã vào tuổi 78, sức khỏe yếu nhiều, là năm thứ 4, Bác tiến hành công việc viết và sửa chữa Di chúc. Cũng từ đó, Bác bớt dần sự tiếp xúc với nhân dân, kể cả việc viết thư, làm thơ - vốn là một nhu cầu, một thói quen thường xuyên của Bác… Thế nhưng, thơ xuân - chúc tết hàng năm trong sự ngóng đợi của toàn dân, vẫn là một việc Bác không quên.

Thơ xuân chúc tết năm 1968:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng trận tin vui khắp nước nhà

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên!

Toàn thắng ắt về ta.

Trước đó, kể từ 1959 đến 1967 (trừ năm 1963), đều đặn năm nào Bác cũng có thơ xuân.

Xuân 1967:

Xuân này xin có một bài ca

Gửi chúc đồng bào cả nước ta

Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi

Tin mừng thắng trận nở như hoa.

Và sau đó - Xuân 1969:

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng

thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào

Tiến lên!

Chiến sĩ đồng bào

Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn!

Không khó trong việc khẳng định chiến thắng cuối cùng của dân tộc với mục tiêu "Mỹ cút" và "Ngụy nhào", để cho "Bắc Nam sum họp" như một tiên tri, một chiến lược sáng suốt của Bác Hồ.

Sau thơ xuân chúc tết Mậu Thân, vào tháng ba - 1968, Bác có 3 bài thơ. Bài thứ nhất, viết về mình trong tâm thế vui tin, lạc quan:

Đã lâu không làm bài thơ nào

Nay lại thử làm xem ra sao

Lục khắp giấy tờ vần chửa thấy

Bỗng nghe vần "thắng" vút lên cao.

Bài thứ hai, nhân đón một tin vui từ chiến trường - đó là chiến thắng của 11 nữ dân quân thành phố Huế, Bác đã kịp thời có thơ khen:

Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường

Khôn ngoan dàn trận khắp phố phường

Bác khen các cháu dân quân gái

Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương.

Và bài thứ ba, bằng chữ Hán, như một tâm sự riêng, một đối thoại với chính mình:

Tam niên bất ngật tửu xuy yên

Nhân sinh vô bệnh thị chân tiên

Hỷ kiến Nam phương liên đại thắng

Nhất niên tứ quý đổ xuân thiên.

Bản dịch:

Thuốc kiêng, rượu cữ đã ba năm

Không bệnh là tiên, sướng tuyệt trần

Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn

Một năm là cả bốn mùa xuân.

(Khương Hữu Dụng dịch)

Rồi đến tháng năm, thời điểm quen thuộc, kể từ sau 1965, vào ngày 10, như thường lệ, Bác thường trở lại việc sửa chữa, thêm bớt, hoàn thiện bản Di chúc mà Bác xem là "tài liệu tuyệt mật". Tháng năm - 1968, ngày 20, một ngày sau lễ sinh nhật, Bác lại có một bài thơ mới - bài thứ năm, để tiếp tục chùm thơ về tuổi thọ:

Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm

Vẫn vững hai vai việc nước nhà

Kháng chiến dân ta đang thắng lớn

Tiến lên! Ta cùng con em ta.

Trong hành trình thơ của mình, Bác đã có 3 lần làm thơ về tuổi thọ, vào các năm 1949, 1950 và 1953. Phải 15 năm sau, năm 1968 - ở tuổi 78, Bác mới có tiếp bài thơ thứ tư, làm vào tháng 5/1968. Cùng với 2 câu thơ trong Di chúc được thảo từ năm 1965: Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay, chùm 5 bài thơ Bác viết năm 1968 và bài thơ xuân năm 1969 đã hoàn kết một chân dung, một sự nghiệp, một cuộc đời vĩ đại, với: Bảy mươi chín tuổi xuân trong sáng/ Vào cuộc trường sinh nhẹ cánh bay như lời thơ Tố Hữu…

GS Phong Lê (Nguồn: Báo Hà Tĩnh điện tử)


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin cùng chuyên mục
    Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
    Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
     Liên kết website
    Thống kê: 3.226.758
    Online: 13