Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: "Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người đã có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ". Trong những ngày tháng 7 này, chúng ta hãy cùng ôn lại tư tưởng nhân văn của Người, viết tiếp lời tri ân sâu sắc, thành kính tưởng nhớ công lao to lớn của các thương binh, liệt sỹ, những người đã hy sinh tính mạnghoặc bỏ lại một phần xương máu của mình trên chiến trường vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân.

Đoàn viên, thanh niên thị xã Hồng Lĩnh thắp nến tri ân các anh hùng, liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ thị xã

"Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, truyền thống ấy thấm đẫm trongtư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh nói chung, từng việc làm, hành động cụ thể của Người. Đối với thươngbinh, liệt sỹ, tư tưởng ấy càng rõ ràng hơn bao giờ hết. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam) ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Với tinh thần ".... thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu chống lại quân xâm lược. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt chống thực dân Pháp, nhiều đồng bào, chiến sỹ đã ngã xuống, hy sinh một phần xương máu trên các chiến trường. Với truyền thống đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh.

Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn ra đời ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác... Sau đó ít lâu được đổi thành Hội giúp binh sĩ bị thương. Ở Trung ương có Tổng Hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự của Tổng Hội. Ngày 28-5-1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội để kêu gọi mọi người gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sỹ bị thương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự.Ngày 17-11-1946, cũng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Liên Hiệp Quốc dân Việt Nam đã tổ chức lễ xung phong "Mùa đông binh sỹ", mở đầu cuộc vận động "Mùa đông binh sỹ" trong cả nước để giúp chiến sỹ trong mùa đông giá rét. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự buổi lễ và Người đã cởi chiếc áo đang mặc để tặng binh sỹ.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 19-12-1946, theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đã nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên, đời sống của chiến sỹ, nhất là những chiến sỹ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Trước tình hình trên, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra nhiều quyết định với những chính sách quan trọng về công tác thương binh, liệt sỹ, góp phần ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, gia đình liệt sỹ.

Ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL, quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sỹ đối với cuộc kháng chiến và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ.

Khoảng 18 giờ ngày 27-7-1947 tại xã Hùng Sơn, huyện Ðại Từ, tỉnh Thái Nguyên, đại diện Ðảng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ, Ðoàn thanh niên, Nha thông tin, Cục Chính trị quân đội, chính quyền huyện Ðại Từ, bộ đội, Nhân dân địa phương đã mít-tinh để nghe công bố bức thư đầu tiên Bác Hồ gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức ngày thương binh và ghi nhận sự ra đời "Ngày thương binh toàn quốc".

Ðầu thư Bác viết: "Ðang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Ðó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh... Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy...".

Cuối thư Bác vận động đồng bào nhường cơm, sẻ áo giúp đỡ thương binh. Riêng Bác gửi tặng một chiếc áo lụa của chị em Hội Phụ nữ biếu Người, một tháng lương của Người, tiền một bữa ăn của Người và các nhân viên trong Phủ Chủ tịch (tổng cộng 1.127 đồng) để tặng thương binh. Từ đó về sau, hằng năm, vào dịp 27-7, Bác thường viết thư thăm hỏi, động viên các đồng chí thương binh, gia đình liệt sĩ. Người luôn mong muốn công việc đền ơn đáp nghĩa với thương binh, gia đình liệt sĩ phải trở thành phong trào rộng khắp, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của toàn xã hội, chứ không phải là việc làm phúc.

Tình cảm, tư tưởng của Người đối với thương binh, liệt sỹ xuất phát từ trái tim nồng ấm, thể hiện bằng hàng động giản dị nhưng chan chứa tình thương yêu, đồng cảm. Tháng 01/1947, khi được tin con trai bác sỹ Vũ Đình Tụng – Bộ trưởng Bộ Y tế hy sinh khi tham gia bảo vệ chợ Hôm những ngày thủ đô kháng chiến, Bác đã viết những dòng thật xúc động: "Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam" . Sự hy sinh cao cả của các liệt sỹ để đổi lấy hòa bình cho dân tộc, bình yên cho Nhân dân là "những cái chết làm nên sự sống và trở thành bất tử". Tình cảm thân thiết, nghĩa đồng chí cũng được Bác chấtchứa trong Điếu văn tiễn biệt đồng chí Hồ Tùng Mậu, ngày 1/8/1951: "Tôi với chú là đồng chí, lại là thân thiết hơn anh em ruột. Khi hoạt động ở đất khách quê người, khi bị giam ở lao tù đế quốc, khi đấu tranh ở nước nhà, hơn 25 năm, đã bao phen chúng ta đồng cam cộng khổ, như tay với chân... Mất chú, đồng bào mất một người lãnh đạo tận tụy, Chính phủ mất một người cán bộ lão luyện, Đoàn thể mất một người đồng chí trung thành, và tôi mất một người anh em chí thiết. Mấy nguồn thương tiếc, cộng vào trong một lòng tôi!".

Từ tháng 7 năm 1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi "Ngày Thương binh toàn quốc" thành "Ngày Thương binh, Liệt sỹ" để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8-7-1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hằng năm chính thức trở thành "Ngày Thương binh, Liệt sỹ" của cả nước.

Từ đó về sau, mặc dù Người đã đi xa, nhưng tư tưởng, tình cảm của Người đối với Thương binh, liệt sỹ luôn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta kế tục bằng những việc làm cụ thể, như xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Đền ơn đáp nghĩa ngày nay đã trở thành một phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa lớn lao và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp… tích cực, chủ động tham gia, góp phần quan trọng nâng cao đời sống người có công. Mỗi năm cứ đến "Ngày Thương binh, Liệt sỹ" nhất là vào dịp kỷ niệm năm tròn, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017), tưởng nhớ tư tưởng, tình cảm của bác Hồ đối với Thương binh, liệt sỹ cũng như lịch sử của ngày này, chúng ta cùng thắp nén tâm nhang dâng lên Người và các anh hùng, liệt sỹ, nguyện viết tiếp lời tri ân tháng bảy, cùng nhau đoàn kết xây dựng đất nước Việt Nam mãi mãi "Độc lập – Tự do - Hạnh phúc" như di nguyện của Người và các liệt sỹ trước lúc đi xa./.

Bình Nguyên - Bảo Phương

(Bài viết sử dụng tư liệu trong Đề cương tuyên truyền kỳ niệm 70 năm Ngày TB, LS)


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin cùng chuyên mục
    Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
    Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
     Liên kết website
    Thống kê: 3.351.285
    Online: 181