Tình yêu thương của Bác không chỉ là xót xa mà đã trở nên cụ thể, mạnh mẽ và đầy thuyết phục. Sinh thời, Bác đã chăm lo, dạy dỗ các cháu từ việc nhỏ đến việc lớn.

“Các cháu phải chăm ngoan, ở nhà phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng, đối với thầy phải kính trọng, lễ phép, đối với bạn phải đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau”, “Giữ kỷ luật, chớ tự do phóng túng vì tự do phóng túng là không tốt”, “phải biết gắng, gắng giúp đỡ thương binh và gia đình các chiến sĩ”, “phải yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu lao động”, “phải thật thà, dũng cảm”, “việc gì có ích cho kháng chiến, có ích cho Tổ quốc thì các cháu nên gắng sức làm. Tuổi các cháu còn nhỏ. Nhiều công việc nhỏ cộng lại thành công việc to”, “Mong các cháu mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập, tự do”…

Sự quan tâm của Bác đối với trẻ em gắn chặt với những trăn trở về tương lai của dân tộc, của đất nước. Ngay từ những ngày đầu tiên của Nhà nước Việt Nam non trẻ, vị Chủ tịch nước trong bộn bề công việc vẫn không quên "những người tiểu quốc dân của một nước độc lập". Tết Trung thu độc lập đầu tiên năm 1945, Người gửi thiếu nhi Việt Nam hai bức thư trong vòng một tuần lễ. Hai bức thư ấy tràn đầy niềm vui, niềm tự hào vì nước nhà đã độc lập, các em thoát kiếp "bầy nô lệ trẻ con". Một mùa thu, Bác gửi cho các em lời yêu thương tha thiết:

"Trung thu trăng sáng như gương 
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng 
Sau đây Bác viết mấy dòng 
Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung."

Nói với trẻ em, viết cho trẻ em, đến với trẻ em, Hồ Chí Minh nhất quán trong phong cách và văn phong giản dị, gần gũi. Hàng trăm bức thư, bài báo, bài thơ tự tay Bác viết, tặng cho các cháu. Điều ấy hiếm gặp ở bất kỳ một chính khách nào, điều ấy độc đáo và làm nên một nhân cách Hồ Chí Minh. 
Trong các bài nói, bài viết của Bác về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ không chỉ chứa đựng những tư tưởng quan điểm cơ bản mà còn có cả những lời chỉ bảo ân cần rất cụ thể và gần gũi với thực tế. Trong trái tim nhân ái của Người, trẻ em được ví "như búp trên cành" cần được che chở, chăm sóc và nâng niu để nở hoa tươi thắm, khỏe mạnh và tỏa hương cho đời. Người đã đặt niềm tin yêu vào những chủ nhân tương lai của đất nước, rằng:

“… Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu…”

 

Người đã để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng và đặc biệt cho "toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng". Trong mỗi giai đoạn của cách mạng cũng như của cuộc đời đầy cống hiến và hy sinh của mình, trẻ em luôn là lớp "công dân đặc biệt" được Hồ Chí Minh dành sự quan tâm sâu sát. Chăm lo cho thế hệ trẻ, cho trẻ em thể hiện trong phong cách sống, trong đạo đức, trong tầm nhìn chiến lược và khoa học của Người. Trong bản di chúc của mình, Bác Hồ 2 lần nhắc đến nhi đồng. Đoạn mở đầu, Bác viết:

“Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp 2 miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”.

Ở đoạn kết thúc Bác lại viết:

“Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”.

Tình thương yêu trẻ luôn thường trực trong Bác. Xúc động biết bao khi đọc bài viết của Bác trước lúc từ biệt thế giới này để gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, Bác viết:

“Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy chăm sóc giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ... Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”. 
Là một nhà giáo dục vĩ đại, Bác Hồ coi trọng việc giáo dục thế hệ trẻ không chỉ ở nội dung mà cả phương pháp dạy học và giáo dục. Nói chuyện với lớp cán bộ đào tạo mẫu giáo, Bác nhắc nhở:“...làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm thế thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ, chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ như trồng cây non. Trông cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này cháu trở thành người tốt”. “Trong lúc học cẩn phải làm cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, trong trường, trong xã hội chúng đều vui, đều học..."

Về nội dung giáo dục ở các cấp học, Bác nhắc nhở nhiều lần:

“Cần chú trọng hơn nữa về mặt đức dục; Dạy cho các cháu đạo đức cách mạng, biết yêu Tổ Quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu khoa học, yêu lao động và người lao động, thật thà,dũng cảm, sẵn sàng tham gia lao động và bảo vệ Tổ Quốc”.

Những điều Bác dạy về nhi đồng, về việc chăm sóc và giáo dục thế hệ trẻ toát lên chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.

Bác đặc biệt nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là người giáo dục trẻ em phải là tấm gương sáng cho các em noi theo:

“Trẻ em hay bắt chước cho nên thầy giáo, cán bộ phụ trách phải gương mẫu, từ lời nói đến việc làm. Dạy các cháu thì nói với các cháu chỉ một phần, cái chính là phải cho các cháu nhìn thấy, cho nên những tấm gương thực tế là rất quan trọng. Muốn dạy cho trẻ em thành người tốt thì trước hết các cô, các chú phải là người tốt”.

Và Bác đã dạy rằng:

“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, 
vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Tình yêu thương vô hạn của Bác để lại cho nhi đồng Việt Nam của những ngày đã qua, bây giờ và mãi về sau niềm tự hào mãnh liệt, lòng thành kính cao vời và niềm kiêu hãnh biết bao khi được hát về Người:

"Ai yêu các nhi đồng
Bằng Bác Hồ Chí Minh"

                                               và

“Ai yêu Bác Hồ Chí Minh
Hơn chúng em nhi đồng
Ai yêu Bác Hồ Chí Minh
Hơn thiếu nhi Việt Nam”.../.

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
    Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
     Liên kết website
    Thống kê: 3.223.591
    Online: 175